Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết trong buổi khai mạc trọng thể sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trong ngày làm việc thứ nhất (25-12), nhiều đại biểu kỳ vọng Đại hội sẽ có quyết sách đúng đắn, đặc biệt là hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp.
* Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG (giám đốc hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước):
Không ứng dụng nông nghiệp số thì mất nhiều cơ hội
- Trong sản xuất nông nghiệp, nếu muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.
Đặc biệt với nông sản hữu cơ – xu hướng ăn sạch đang được người tiêu dùng cự kỳ quan tâm. Tuy nhiên, nếu chúng ta sản xuất nông sản hữu cơ nhưng không biết ứng dụng nông nghiệp số thì cũng mất nhiều cơ hội để kết nối người tiêu dùng, tạo niềm tin cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.
Do đó, nhiệm kỳ tới cần có chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng nhật ký điện tử giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Về vĩ mô, việc phổ cập sử dụng nhật ký điện tử đối với nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu. Xây dựng chuỗi kết nối giữa các nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, chắc chắn sẽ mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương.
* Ông NGUYỄN THANH TUẤN (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ân Cát (Quảng Nam), Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII):
Tăng cường đối thoại với nông dân
Các cấp Hội Nông dân cần có nhiều cuộc đối thoại hơn nữa giữa chính quyền, các cấp ngành với nông dân để từ đó mới ghi nhận kiến nghị những nội dung đã trao đổi, thống nhất trong các buổi đối thoại để giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nông dân.
Đối với Hội Nông dân các cấp, tôi đề xuất cần chủ động hơn nữa việc đề xuất, tham mưu và tổ chức triển khai, thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số…
Đối với nông dân, trong nhiệm kỳ mới, các hội viên, nông dân trong cả nước cũng cần thay đổi, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, người nông dân phải đổi mới sáng tạo hơn trong sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, thiết bị số vào sản xuất nâng cao hiệu quả, chất lượng của cây trồng, vật nuôi. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải sản xuất, bán những thứ mà thị trường cần và tích cực liên kết với nhau thành hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, bền vững hơn.
* Ông TRẦN QUỐC QUÂN (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An):
Nông dân muốn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Nông dân rất quan tâm vấn đề chuyển đổi số. Bà con quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh, phục vụ công tác cây trồng. Thứ hai là ứng dụng công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đối với phát triển kinh tế tập thể, các xã viên và giám đốc hợp tác xã rất quan tâm chính sách của Chính phủ để hỗ trợ và đồng hành cùng kinh tế tập thể để phát triển, đặc biệt chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cùng như đầu tư cơ sở hạ tầng để kinh tế tập thể phát triển.
Trong hệ thống chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết đại hội, có nhiều chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể. Qua đại hội, tôi mong muốn Hội Nông dân Việt Nam sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Thứ hai đó là chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng các cấp hội nông dân nên có một chỉ tiêu, hoặc đặt vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.