Bà NTD (80 tuổi) điều trị tại BV Da liễu TP.HCM với chẩn đoán zona thần kinh gây tổn thương da niêm. Trước khi nhập viện bảy ngày, bà thấy mệt đừ, đau răng, lở miệng. Sau đó xuất hiện thêm các mụn nước li ti ở vùng má, lan dần khắp nửa mặt phải.
Tự trị bệnh, cái sảy nảy cái ung
Bà D tự đắp thuốc (không rõ loại) trị bệnh tại nhà nhưng không giảm. Bà được đưa đến BV Da liễu TP.HCM trong tình trạng sốt cao, đau nửa đầu phải, ù tai phải, nhiều mụn nước mọc thành chùm trên mặt, mụn đã vỡ đóng mài đen.
Chưa hết, bà còn sưng phù mi mắt, trợt loét niêm mạc miệng. Bác sĩ (BS) cho bà điều trị kháng sinh, kháng virus (acyclovir), giảm đau và chăm sóc tổn thương da tại chỗ.
Trường hợp tiếp theo là bà PTBT (67 tuổi). Cách lúc nhập viện bốn ngày, bà T thấy vùng hông lưng nổi bóng nước, đau nhức nhiều. Bà tự mua thuốc thoa nhưng không hết nên đến BV Da liễu TP.HCM khám.
Theo các BS, bà T nhập viện với bệnh cảnh có nhiều mụn nước, bóng nước mọc thành chùm trên nền da đỏ ở vùng hông lưng, lan đến bụng phải. Một số bóng nước bị vỡ, tạo thành các vết trợt da, rỉ dịch vàng trong.
Bà T được điều trị kháng sinh, giảm đau và chăm sóc vết thương tại chỗ. Sau điều trị, vùng da bệnh khô, lành dần và giảm đau nhức.
Tại BV Quân y 175, bệnh nhân nữ NTC (60 tuổi, ngụ Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng bóng nước mọc từng chùm trên nền da viêm đỏ, trán sưng nề, mắt trái có dịch đục, phù không mở được.
Sau khi được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc giảm đau thần kinh, sinh tố nhóm B nâng cao thể trạng và các thuốc bôi chống nhiễm trùng tại chỗ... bệnh nhân đã cải thiện.
Bệnh tăng sau dịch COVID-19
BS CKII Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, cho biết gần đây số bệnh nhân đến khám và điều trị zona thần kinh tại BV có chiều hướng tăng, nhất là sau dịch COVID-19.
Bệnh zona thần kinh thông thường chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 1%-5% bệnh nhân bị tái phát zona, thường xảy ra ở những đối tượng suy giảm miễn dịch.
“Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khám và điều trị khoảng 10-15 ca, hầu hết đến khám trong vài ngày đầu khi nhận ra trên da có bất thường. Một số trường hợp tự điều trị ở nhà, khi đến khám bệnh đã ở giai đoạn muộn, nhiễm trùng và để lại di chứng” - BS Hà chia sẻ.
Cũng theo BS Hà, một phần nguyên nhân của bệnh có thể do bệnh nhân stress, căng thẳng tâm lý. Ngoài ra, bệnh thường gặp hơn ở những người suy giảm miễn dịch, ghép tủy xương, hóa trị, xạ trị ung thư, dùng corticosteroids liều cao kéo dài, người lớn tuổi có bệnh nền…
Theo BS Trần Văn Tính, Chủ nhiệm khoa Da liễu - Dị ứng (BV Quân y 175), số lượng khám, điều trị zona thần kinh tại BV năm sau tăng hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, số ca khám điều trị lần lượt là 576, 987 và 1.185 ca.
“Zona thần kinh hay gặp ở người già, người suy giảm miễn dịch, đặc biệt ở người nhiễm HIV/AIDS. Tỉ lệ người lớn tuổi (trên 60 tuổi) đến khám, điều trị zona thần kinh trong 10 tháng năm 2023 tại BV là 62%, cao hơn nhiều so với hai năm trước liền kề” - BS Tính thông tin.
Coi chừng biến chứng nguy hiểm
BS CKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1 (BV Da liễu TP.HCM), cho hay zona thần kinh thường lành tính. Các tổn thương da phát triển nhanh trong 7-10 ngày, đóng mài và biến mất hoàn toàn sau 2-4 tuần, không để lại di chứng.
“Tuy hiếm gặp nhưng vẫn có một số ca nặng, có thể gây tổn thương nội tạng. Do đó, nếu phát hiện trễ, điều trị không kịp thời, không đúng cách có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não - màng não, viêm gan, điếc, mù...” - BS Phượng lưu ý.
Cũng theo BS Phượng, di chứng hay gặp ở bệnh nhân zona thần kinh là đau thần kinh sau zona, nhất là người trên 50 tuổi. Triệu chứng đau, dị cảm ở da có thể kéo dài vài tháng thậm chí vài năm, gây mất ngủ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
BS Tính chia sẻ zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng bởi virus varicella-zoster (virus gây bệnh thủy đậu), người lớn tuổi là nhóm rủi ro cao hơn khi mắc bệnh.
Để phòng ngừa zona thần kinh ở người cao tuổi, người dân cần tiêm vaccine thủy đậu để tránh mắc thủy đậu tiến triển thành zona, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Khi nghi ngờ mắc zona thần kinh cần sớm đi khám chuyên khoa để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa zona thần kinh, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến miễn dịch để điều trị sớm. Nên sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao thường xuyên nâng cao sức đề kháng.
Không tự ý sử dụng các nhóm thuốc chứa corticosteroids liều cao, kéo dài khi chưa có chỉ định của BS chuyên khoa. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên đi khám chuyên khoa da liễu, không tự điều trị bằng những phương pháp dân gian, truyền miệng như khoán, đắp thuốc Nam…
BS CKII BÙI MẠNH HÀ, Phó Giám đốc BV Da liễu TP.HCM
Làm sao tránh sẹo lồi sau khi bị zona thần kinh?
(PLO)- Nếu chăm sóc vết thương zona thần kinh không đúng cách có thể gây nhiễm trùng, hoại tử vùng da bệnh, khi lành sẽ để lại sẹo lồi.