LTS: Thực hiện tự chủ và đa dạng phương thức xét tuyển ĐH, nhiều cơ sở đào tạo đã tổ chức thi tuyển sinh riêng để tuyển chọn những thí sinh phù hợp. Khởi điểm với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (từ năm 2018), đến nay đã có gần 10 kỳ thi với nhiều tên gọi, nhiều đợt thi. Mỗi năm hàng trăm trường sử dụng kết quả này, thêm cơ hội cho thí sinh nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề lo ngại.
Đến hiện tại, cả nước có chín cơ sở đào tạo ĐH sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với mục đích đánh giá năng lực (ĐGNL) thí sinh (TS) để phục vụ việc xét tuyển ĐH. Nếu tính về đợt thi sẽ có hơn 20 đợt trải đều trong vài tháng tới đây.
Mở rộng quy mô, tăng số lượng thí sinh
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết thúc thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay, có 25 tỉnh, TP có TS đăng ký dự thi với 94.315. Đây là đợt có số TS dự thi cao nhất lịch sử kỳ thi này.
Trong đó, TP.HCM có số lượng lớn nhất với gần 31.000 em, kế đến là Đồng Nai hơn 6.400 em, Bình Định hơn 4.000 em, Bình Dương hơn 3.900 em…
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đây là năm thứ bảy kỳ thi được tổ chức dành cho học sinh đang học lớp 12 và TS tự do muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Kỳ thi hướng đến việc đánh giá năng lực quan trọng của TS để học ĐH như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…
“Điểm mới năm nay là mở rộng quy mô kỳ thi từ 21 lên 24 tỉnh, TP (từ Thừa Thiên-Huế trở vào Nam), riêng đợt 2 chỉ tổ chức ở 12 tỉnh, TP; cải tiến phương thức thanh toán cho TS thông qua các ví điện tử; tăng số lượng đơn vị sử dụng kết quả để xét tuyển với 105 trường ĐH, CĐ” - Tiến sĩ Chính nói.
Tương tự, ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay sẽ tổ chức đến sáu đợt thi đánh giá năng lực. Theo GS - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, cho biết đây là năm thứ tư kỳ thi được tổ chức, giảm hai đợt so với năm trước nhưng tăng về quy mô tổ chức đến 10 tỉnh, TP ở phía Bắc. Dự kiến kỳ thi sẽ đáp ứng cho khoảng 80.000 em.
Bên cạnh đó, các điểm thi sẽ được ứng dụng thêm công nghệ nhận diện để chống gian lận. Dữ liệu điểm thi được đồng bộ lên cổng xét tuyển của Bộ GD&ĐT để các trường ĐH có thể sử dụng xét tuyển. Số trường sử dụng kết quả để xét tuyển tăng lên, từ 70 lên 90 trường.
Đề thi vẫn duy trì về cấu trúc với ba phần với 150 câu hỏi trắc nghiệm: Tư duy định lượng (toán học), tư duy định tính (ngữ văn - ngôn ngữ) và khoa học (tự nhiên - xã hội). TS làm bài trên máy tính trong 195 phút.
Ngoài ra, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng bước vào năm thứ tư tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với sáu đợt. Thời gian thi từ tháng 12-2023 đến tháng 6-2024, trong đợt 1 và 2 vừa qua có hơn 8.000 lượt TS dự thi.
Ở phạm vi hẹp hơn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn cũng tiếp tục năm thứ hai tổ chức kỳ thi với tên gọi “đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính” với bốn đợt cho bảy bài thi…
Đổi mới tuyển sinh sư phạm bằng kỳ thi chuyên biệt
Bên cạnh mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, năm nay nhóm trường đào tạo khối ngành sư phạm cũng tiếp tục duy trì hai kỳ thi tuyển sinh riêng. Cụ thể là kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được tổ chức năm thứ ba, dành cho HS lớp 11, 12, TS tự do.
Kỳ thi gồm các bài về toán, lý, hóa, sinh, văn và tiếng Anh. TS làm bài trên máy tính. Kết quả dùng để kết hợp với điểm học bạ xét tuyển vào 28 ngành của trường.
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng trường, điểm mới năm nay là ngoài hai đợt thi tại TP.HCM, trường có mở rộng thêm đợt thi tại các tỉnh Long An, Gia Lai và Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho những em ở địa bàn xa có thể tham gia.
“Những ngày qua, lượng TS quan tâm và đăng ký dự thi nhiều nên hiện đã vượt quá số chỗ TS dự thi ở đợt 1 với hơn 4.000 em. Trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển lên 30%-40% chỉ tiêu của từng ngành. Ngoài ra, hiện đã có tám trường ĐH trong khối sư phạm thống nhất sử dụng kết quả chung này” - ThS Trung nói.
Ông Trung cũng thông tin bài thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó lớp 12 chiếm 70%-80%, còn lại thuộc lớp 10, 11. Tuy nhiên, do đây là kỳ thi ĐGNL chuyên biệt nên độ khó cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, khi làm bài, các em sẽ được thử thách những câu hỏi khó để mang tính phân loại.
Tương tự, ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng sẽ tiếp tục kỳ thi ĐGNL với một đợt duy nhất trong tháng 5. Kỳ thi gồm tám bài thi, mỗi bài thi kết hợp trắc nghiệm (70%-80%) và tự luận (20%-30%). TS làm bài trên giấy trong 60-90 phút/bài.
Kết quả thi được chín trường ĐH đăng ký sử dụng để xét tuyển đầu vào, hầu hết là các thuộc khối sư phạm.
Nhiều trường dành chỉ tiêu lớn xét tuyển bằng điểm thi riêng
Năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến dành 20%-30% tổng chỉ tiêu cho điểm thi ĐGNL.
ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến dành khoảng 45% chỉ tiêu tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐH này. Cụ thể như Trường ĐH Kinh tế - Luật dành tối đa 50% trong 2.600 tổng chỉ tiêu; Trường ĐH Bách khoa xét 60%-90% trong hơn 5.100 chỉ tiêu cho phương thức kết hợp, trong đó điểm bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm trọng số cao nhất (75%); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến 45%-50% tổng chỉ tiêu…
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến dành 30%-40% chỉ tiêu của các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi ĐGNL của trường và xét học bạ.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM dành 25% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến dành 30% của hơn 9.000 chỉ tiêu để xét điểm thi đánh giá tư duy...
TP.HCM 'soán ngôi' số thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực
(PLO)- Trong 25 tỉnh/thành phố, TP.HCM có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM cao nhất, với gần 31.000 em.