vĐồng tin tức tài chính 365

Hoa mắt với thị trường sữa

2024-03-14 09:39
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, uy tín thương hiệu, xuất xứ sản phẩm sữa để chọn mua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, uy tín thương hiệu, xuất xứ sản phẩm sữa để chọn mua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài những đại lý và cửa hàng phân phối sản phẩm rõ thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ còn có nhiều nơi bán sản phẩm thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng "chóng mặt hoa mắt".

Tôi thấy các shop rao rất hay, cam kết miệng... chắc nịch. Chẳng hạn như uống vào một tháng thấy khác biệt. Con uống vào lớn như Thánh Gióng. Bé không lớn thì kiện shop hoặc được đền gấp đôi... Nhưng toàn các loại sữa lần đầu tôi biết.

Chị Nguyễn Ái Thi (quận 3, TP.HCM)

"Uống vào lớn như... Thánh Gióng!?"

Có con 5 tháng tuổi, chị L.T.H. (TP.HCM) kể câu chuyện "khổ sở 1" khi con bị dị ứng đạm sữa bò nhưng lại "khổ sở đến 10" khi đi chọn sữa công thức cho con. Con của chị bị dị ứng đạm sữa bò nặng nên bác sĩ khuyên chọn sữa thủy phân hoàn toàn. Chị chọn sữa N. thương hiệu Mỹ có giá 530.000 đồng/lon 400gr và hiện tại không riêng TP.HCM mà cả nước đều đứt gãy dòng sữa này.

"Sau khi mua được sáu lon cuối cùng từ Hà Nội gửi vào TP.HCM, tôi lo lắng hết sáu lon này thì uống sữa nào? Dòng này khan hiếm quá nên tôi có ý định đổi sữa. Cả tuần qua đi từ siêu thị, cửa hàng sữa lớn nhỏ chuyên bán sữa công thức... tôi bất lực vì không biết chọn loại nào. Sữa nào cũng quảng cáo có nhiều chức năng tốt cho bé, rồi cũng có nhiều loại chống dị ứng đạm sữa bò, rồi dòng sữa dê... nhưng thực hư ra sao, tôi vừa phân vân vừa bị ngộp" - chị H. bày tỏ.

Chị H. kể tại một cửa hàng sữa lớn trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), các nhân viên giới thiệu hàng loạt hãng sữa công thức nước ngoài. Theo nhân viên này, sữa "quen thuộc" như sữa M., sữa G. (Nhật Bản), sữa N. (Nga, Thụy Sĩ) và các dòng sữa P., sữa B. từ các nước khác. "Mỗi loại có một chức năng khác nhau nhưng đây được đánh giá là vượt trội, uống vào con có sự khác biệt" - nhân viên này nhấn mạnh.

Tương tự, chị Nguyễn Ái Thi (quận 3) muốn con tăng cân nên trước khi mua sữa chị có tham khảo nhóm "Rì viu sữa có tâm" trên mạng xã hội. "Vào nhóm, tôi thấy các shop rao rất hay, cam kết miệng... chắc nịch. Chẳng hạn như uống vào một tháng thấy khác biệt. Con uống vào lớn như... Thánh Gióng. Bé không lớn thì kiện shop hoặc được đền gấp đôi...

Nhưng toàn các loại sữa lần đầu tôi biết. Hỏi sữa tăng cân nhưng trong sản phẩm giới thiệu có luôn phát triển chiều cao, trí não. Có loại 1,3 triệu đồng/lon nhưng 250.000 đồng/lon cũng có. Giá cả muôn hình và chênh lệch nhiều, không phân biệt được thật giả, càng không biết chất lượng có như cam kết không, khiến tôi lo lo", chị Thi kể.

Người tiêu dùng chọn những đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm rõ thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ để hạn chế hàng giả - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người tiêu dùng chọn những đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm rõ thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ để hạn chế hàng giả - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hoang mang trước rừng thông tin

Ngoài ra, nhiều bà mẹ "bỉm sữa" không khỏi hoang mang với những lời quảng cáo trên rất nhiều fanpage như sữa xách tay có chất lượng tốt hơn sữa trong nước, giúp bé cải thiện rõ rệt chiều cao, cân nặng, trí tuệ vượt bậc...

Chẳng hạn, fanpage sữa xách tay liên tục đăng những sản phẩm mới khiến chị Lê Thị Thanh (quận 1) tò mò hỏi lon thiếc S. của Mỹ với giá chào bán gần 1,1 triệu đồng/lon 800gr và muốn xem mua sản phẩm trực tiếp. Chủ fanpage này cho rằng không mở cửa hàng, chỉ bán online và cam kết: "Sữa xách tay chất lượng khỏi bàn! Hàng bên nhà mình không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ nhưng có hóa đơn online tại Mỹ vì mua online và chuẩn "air" (đường bay - PV)".

Đi kèm những lời rao "trên trời", hiện nay nhiều chủ tài khoản bán sữa đánh vào tâm lý người mua là những "bảo tín" cho sản phẩm được bác sĩ bệnh viện nhi "kê đơn", "khuyên dùng"...

Tài khoản Facebook U.T. tự giới thiệu chuyên các dòng sữa dinh dưỡng được kê đơn của một bệnh viện nhi. Chẳng hạn như "Sữa O. Viện Nhi kê đơn", sữa dê tăng cường miễn dịch dành cho trẻ biếng ăn; hoặc sữa B. hết biếng ăn, tăng cân khoa học, bắt kịp đà tăng trưởng... Giá sản phẩm dao động trên dưới 500.000 đồng/lon 800gr.

"Đây là sữa Việt nhưng nguyên liệu nhập từ Pháp. Uống vào thấy rõ tác dụng, tăng đề kháng, ăn ngon, tăng cân, giàu đạm, chắc xương, nhiều DHA cho trẻ thông minh. Còn gì uy tín hơn bác sĩ nhi khuyên dùng hả các mẹ!?", chủ tài khoản này rao.

Ông Lê Thanh Hải, chủ cửa hàng sữa 131 (đường Trần Quang Khải, Q.1) đã có gần 15 năm bán sữa, thừa nhận càng ngày thị trường càng có nhiều loại sữa. Ông Hải nói: "Bây giờ tại cửa hàng có hơn 100 loại sữa, 100 chức năng dinh dưỡng khác nhau, tôi không sao nhớ tên nổi".

Thực tế tâm lý tiêu dùng sữa ngoại có phần lấn át sữa nội. Chẳng hạn, tại cửa hàng đồ dùng mẹ và bé, sữa ngoại được bày bán chiếm khoảng 60-70% với các loại như M. (Nhật Bản), N. (Nga), B. (Úc), A. (Anh), B. (Pháp). Mức giá trung bình từ 400.000 - 950.000 đồng/lon tùy loại.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: TUẤN ANH

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại một sự kiện ở VN tháng 8-2023, báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nhiều chiến lược tiếp thị sữa tại VN sai lệch như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, phát triển trí não của trẻ... và gây hiểu nhầm. Vậy những lời rao "có cánh", những "thần dược" sữa cần được nhìn nhận lại cũng như đặt ra nhiều vấn đề về quản lý với thị trường ngành hàng vô cùng đa dạng nhưng còn lỏng lẻo này.

Một lãnh đạo thuộc Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết sữa là do nhiều đơn vị quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm). Vị này thừa nhận có quá nhiều loại sữa, riêng sữa giả thường bán qua mạng, vùng quê. Sữa xách tay cũng là loại sữa không đảm bảo chất lượng vì QLTT từng phát hiện, xử phạt, tiêu hủy.

"Xét về mặt kinh doanh, QLTT kiểm tra sữa có nhãn mác theo quy định, hóa đơn chứng từ, cần thiết lấy mẫu kiểm nghiệm theo hồ sơ công bố của sản phẩm. Nếu có quy chuẩn, kiểm tra theo quy chuẩn. Còn bình thường không kiểm nghiệm. Nên cách phân biệt và lựa chọn sữa, người tiêu dùng nên chọn cửa hàng lớn, siêu thị lớn, đại lý chính thức để hạn chế được hàng giả" - vị này khuyến cáo.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống sống ở TP.HCM đánh giá Nhà nước phải quan tâm hơn trong quản lý chất lượng sữa trên thị trường. Và phải có thông tin đầy đủ để hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sữa, giá cả... Câu chuyện xử lý sữa không chất lượng, các đơn thư khiếu nại về sữa trên thị trường phải công khai, để tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng được đánh động.

Anh Trí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngược xuôi chọn sữa thay thế khi loại sữa đặc trị dị ứng đạm sữa bò hết hàng (ảnh chụp sáng 13-3)   - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh Trí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngược xuôi chọn sữa thay thế khi loại sữa đặc trị dị ứng đạm sữa bò hết hàng (ảnh chụp sáng 13-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khởi tố nhiều vụ làm sữa bột giả quy mô lớn

Cuối tháng 1-2024, Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP.HCM đã điều tra và tạm giam bảy người khi làm hàng ngàn lon sữa bột giả quy mô lớn, bán online, ước tính trị giá tới 14,5 tỉ đồng. Cụ thể, lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 200 kiện hàng có chứa khoảng 150.000 vỏ lon sữa các nhãn hiệu nổi tiếng.

Tháng 12-2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C05) khởi tố điều tra vụ Công ty CP Sữa Hà Lan sản xuất sữa bột kém chất lượng. Theo đó, có 65 lô sữa sản xuất tại nhà máy của công ty này chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, nên đã tạm giữ hơn 25.000 hộp sữa.

Tương tự, đầu tháng 1-2021, Công an tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án hình sự phát hiện kho sữa "khủng" nguyên liệu Trung Quốc với đủ nhãn mác trong một nhà máy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại quốc tế CIO tại Hải Dương.

Có 27.000 vỏ hộp, 10 tấn bìa thùng các tông chưa qua sử dụng có in nhãn mác các loại sản phẩm khác nhau; khoảng 5 tấn nguyên liệu sữa bột, tem nhãn mác và trên 70.000 sản phẩm thành phẩm không đạt tiêu chuẩn như trong đăng ký, nhiều chỉ số không đạt yêu cầu (có loại chỉ đạt 10 - 15%), có một số chất nguy cơ gây hại cho sức khỏe lại vượt quá quy định cho phép như chất béo và sắt.

"Còi" vì uống sữa tăng cân

Bà Nguyễn Thị Trang (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có con gái 2 tuổi. Theo lời quảng cáo của một TikToker với cam kết tăng cường dưỡng chất cho cơ thể, đúng tâm lý mong muốn con tăng cân, bà Trang đã mua một sản phẩm sữa có tên D. (được giới thiệu là hàng nhập) với giá 450.000 đồng/lon 800gr. Sau 1 năm, bà Trang kể con vẫn dưới mức cân nặng tiêu chuẩn, chỉ 8,1kg.

"Ban đầu, con ăn uống rất ngon miệng, tôi nghĩ hiệu nghiệm rồi. Về sau, gần cả năm con tôi vẫn dao động 8,1 - 8,5kg và kèm nhiều bệnh vặt. Tôi đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) để khám, đo các chỉ số và xét nghiệm, các bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán con bị còi, suy dinh dưỡng và khuyên tôi không nên lạm dụng sữa tăng cân. Từ đó, tôi đã thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con và cân nặng có cải thiện" - bà Trang nói.

Bà Lê Vân Mây (chủ tịch Tập đoàn Lotus Group - nhà nhập khẩu và phân phối thương hiệu sữa Morinaga tại VN): Có 1 nhưng thổi lên 10

Thị trường sữa cực kỳ rối loạn và các doanh nghiệp quảng bá vô tội vạ, có 1 nhưng thổi lên thành 10.

Là người kinh doanh ngành hàng này, tôi thừa nhận thực tế có vô vàn loại sữa với rất nhiều những loại quảng cáo và không rõ có được kiểm chứng hay chưa. Tôi cho rằng cần cẩn trọng trong các phát ngôn và quảng cáo về sản phẩm.

Thường các nhà sản xuất, các hãng lớn đưa ra những yêu cầu khắt khe và họ chỉ nói đúng về tính năng, công dụng sản phẩm với những bằng chứng được nghiên cứu rõ ràng và xác thực. Vì thế, uy tín của hãng sản xuất và thương hiệu là một điều quan trọng mà người tiêu dùng nên lưu tâm khi đưa ra quyết định sử dụng.

Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm hợp túi tiền và theo nhu cầu, tức là tiêu dùng một cách thông minh hơn, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, uy tín thương hiệu, không nên nghe những lời quảng cáo không có cơ sở chứng minh.

Rất cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để minh bạch trong việc lưu thông hàng hóa đúng chất lượng, có cam kết với người tiêu dùng. Nếu là hàng nhập khẩu thì sản phẩm có đúng là hàng được sự ủy quyền chính thức từ hãng sản xuất hay không. Nếu là hàng sản xuất tại VN thì cần kiểm chứng những gì nhà sản xuất tuyên truyền là đúng thực tế.

Ông Trần Quang Trung (chủ tịch Hiệp hội Sữa VN): Lo ngại "sữa cỏ"

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sữa. Trong nước có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu sữa cho tất cả lứa tuổi, nước ngoài như các hãng sữa của Nhật Bản, New Zealand, Úc, Mỹ... xuất hiện ở VN những năm gần đây cũng rất nhiều.

Nhưng sự đa dạng này là phù hợp với tính cạnh tranh thị trường và đúng với nhu cầu ngày càng tăng, đáp ứng các nhóm từ trẻ em, người lớn, người bệnh. Tuy nhiên điều lo ngại nhất, cũng như những ngành nghề khác, đó là sữa được bán trên các sàn thương mại điện tử, mua bán trên mạng xách tay... sẽ có hàng giả, hàng không đúng chất lượng mà trong ngành gọi là "sữa cỏ".

Người tiêu dùng cần tỉnh táo, thông thái, tìm hiểu kỹ sản phẩm. Hãy chọn những sản phẩm có tên tuổi của công ty, hãng có tiếng. Và tùy đối tượng mà chọn phù hợp. Ví dụ, con bạn béo phì phải chọn loại giảm năng lượng, đọc kỹ các thành phần công thức công bố trên bao bì, lon hộp...

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên (trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM): Quan tâm nguồn gốc, xuất xứ

Người tiêu dùng nên đọc kỹ quảng cáo để biết ưu điểm, thành phần ghi trên đó có ý nghĩa với mình hay không, có chứa những thành phần mình cần hay không. Nhưng cơ chế cơ bản của nuôi dưỡng trong cơ thể là cung cấp đầy đủ thành phần cần thiết, những thành phần khác vượt trội hay không chưa có bằng chứng, chứng minh thuyết phục.

Tôi cũng chưa gặp chính xác trẻ vượt trội nhờ uống sữa này sữa kia. Mỗi trẻ em có tiếp nhận khác nhau về dinh dưỡng khi dung nạp vào cơ thể. Sữa này phù hợp em A nhưng lại không phù hợp em B.

Nguồn gốc xuất xứ là điều đầu tiên cần quan tâm khi chọn sản phẩm. Nếu sản phẩm nào thể hiện thông tin đầy đủ nơi xuất xứ thì mức độ tin cậy cao. Thứ hai là giấy phép, cơ sở pháp lý phải được cấp phép bởi cơ quan thẩm quyền ở VN, thông qua những đơn vị kiểm nghiệm về thành phần dinh dưỡng. Cả hai điều kiện trên là lưu ý cơ bản đối với người tiêu dùng khi chọn sản phẩm sữa.

Thu hồi 3 sản phẩm váng sữa nghi chứa mảnh nhựa lưu hành tại Việt NamThu hồi 3 sản phẩm váng sữa nghi chứa mảnh nhựa lưu hành tại Việt Nam

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông tin về 3 sản phẩm váng sữa Ambrosia My Mini Pots (nhập khẩu từ Anh) có thể chứa các mảnh nhựa. Các sản phẩm này đã được nhập khẩu về Việt Nam.

Xem thêm: mth.27133148041304202-aus-gnourt-iht-iov-tam-aoh/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hoa mắt với thị trường sữa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools