Năm 2017, TS Douglas Rushkoff được mời tham dự hội nghị trong một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở sa mạc California. Đến nơi, ông mới biết đây là cuộc gặp riêng với năm tỉ phú. Họ không đề cập đến xu hướng công nghệ vốn là chuyên môn của ông mà chỉ thảo luận về cách chuẩn bị cho "sự kiện" - một uyển ngữ để chỉ các thảm họa có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại, dù nhiều người trên thế giới tin có thể xảy ra, trong khi rất nhiều người lại cho rằng đó là chuyện xa vời...
Các tỉ phú không để rơi vào tình thế bị động
Theo báo El País, các "sự kiện" đáng lo ngại gồm môi trường sụp đổ, vụ nổ hạt nhân, bão mặt trời, vi rút ngoài vòng kiểm soát, hệ thống máy tính bị phá hoại trên diện rộng hoặc trí thông minh nhân tạo nổi loạn.
TS Rushkoff là nhà lý luận truyền thông, nhà văn, nhà bình luận, giảng viên, tiểu thuyết gia đồ họa và nhà viết phim tài liệu nổi tiếng, tác giả của 20 cuốn sách và ba bộ phim tài liệu. Ông đã cảm thấy sốc khi nghe các tỉ phú thảo luận các chủ đề như có cơ hội xây hầm ngầm tại những vùng xa xôi hẻo lánh ở Alaska hay New Zealand không, tình trạng biến đổi khí hậu có khả năng xảy ra nhiều hơn chiến tranh sinh học không.
Ông biết giới tinh hoa công nghệ là tầng lớp siêu giàu nhưng không ngờ họ lại tin vào ngày tận thế và mong muốn sống trong nơi trú ẩn bí mật, an toàn. Trong cuốn sách Survival of the Richest xuất bản năm 2022, ông đã kể lại mọi thứ về nỗi ám ảnh của giới siêu giàu trong việc chuẩn bị cho ngày tận thế.
Hiện nay, đứng đầu trong danh sách tỉ phú chuẩn bị cho ngày tận thế là Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook. Gần 10 năm trước, Zuckerberg đã mua đất rộng hơn 600ha trên đảo Kauai ở Hawaii để xây khu phức hợp gồm 30 phòng ngủ và 11 ngôi nhà trên cây. Điểm nhấn của dự án trị giá 270 triệu USD này là căn hầm trú ẩn tráng lệ rộng 460m2.
Người trung lưu có thể mua hầm trú ẩn loại nhỏ thuộc dự án Vivos xPoint của Tập đoàn Vivos với giá 55.000 USD hoặc hầm trú ẩn xây trong vườn nhà do Công ty Atlas Survival Shelters (nhà xây dựng hầm ngầm số 1 thế giới) thi công.
Trong khi đó, hầm trú ẩn của giới siêu giàu gồm nhiều hình thức, từ hầm ngầm hạng sang giá hàng triệu đô la của Tập đoàn Rising S, nhà an toàn gia cố thành pháo đài ở Warsaw (Ba Lan) cho đến Làng Indian Creek ở Miami, đảo nhân tạo được mệnh danh là "hầm trú ẩn tỉ phú". Jeff Bezos - người sáng lập Amazon - đã chi 79 triệu USD mua căn biệt thự thứ hai trên đảo này.
Sam Altman - giám đốc điều hành OpenAI, một trong những công ty tiên phong hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo - đã trở thành người dẫn đầu phong trào chuẩn bị cho ngày tận thế ở khu vực vịnh San Francisco sau khi ông trả lời phỏng vấn vào năm 2016 cho biết ông đã dự trữ "súng, vàng, potassium iodide, thuốc kháng sinh, pin, nước, mặt nạ phòng độc của quân đội Israel và khu đất rộng ở Big Sur mà tôi có thể bay tới".
Trong cuốn sách Hầm trú ẩn: Công trình xây dựng cho ngày tận thế, nhà địa lý học Bradly Garret đã đến thăm dự án hầm trú ẩn Survival Condo ở Kansas. Đây là dạng căn hộ sang trọng dưới lòng đất có giá từ 2-5 triệu USD. Dự án có đầy đủ hồ bơi, siêu thị, kho vũ khí (để phòng thủ), tường leo núi, phòng đánh bạc, công viên thú cưng, rạp chiếu phim, trường bắn, thư viện và phòng tắm hơi.
Vì sao một tỉ phú từng tuyên bố quan tâm đến bình đẳng trên thế giới như Zuckerberg lại đầu tư vào hầm trú ẩn thay vì đầu tư vào dự án nào đó phục vụ cộng đồng? Trang web Dataconomy (Đức) giải thích việc các tỉ phú tìm hầm trú ẩn đã bộc lộ tâm lý chung rất rõ ràng: Cách tốt nhất là chuẩn bị cho điều bất ngờ xảy ra hơn là để rơi vào tình thế bị động.
"Cuốn sách ngày tận thế" trong Nhà Trắng
Bên trong Nhà Trắng có một cuốn sách hướng dẫn được cất ở nơi an toàn để dùng trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Ít người biết sách ở đâu và rất ít người được phép tiếp cận nó. Sách hướng dẫn ấy được gọi là "tài liệu hành động khẩn cấp của tổng thống" (PEAD) hay thường gọi nôm na là "cuốn sách ngày tận thế". Sách bao gồm các giải pháp hướng dẫn tổng thống Mỹ điều hành đất nước trong tình huống khẩn cấp như chiến tranh hạt nhân, nước ngoài tiến hành xâm lược.
Nhà Trắng soạn thảo và lưu giữ tài liệu PEAD từ những năm 1950, dưới thời Tổng thống Eisenhower. Một phiên điều trần vào năm 2016 của Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện có thể giải thích rõ hơn về tài liệu PEAD: "PEAD là tài liệu pháp lý được soạn sẵn với thiết kế nhằm thực hiện quyết định của tổng thống hoặc truyền đạt chỉ đạo của tổng thống khi xảy ra trường hợp khẩn cấp gây gián đoạn các quy trình lập pháp hoặc chính phủ thông thường. PEAD có thể dưới dạng tuyên bố, sắc lệnh hành pháp hoặc thông báo gửi Quốc hội".
Mỗi tổng thống có thể điều chỉnh tài liệu PEAD theo cách riêng. Các tài liệu được giải mật cho thấy tổng thống có thể sử dụng nhiều quyền hạn đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp quốc gia như có quyền đơn phương giam giữ các phần tử nguy hiểm, kiểm duyệt báo chí, tắt Internet, kiểm soát mạng xã hội, cấm dân Mỹ đi nước ngoài.
Ngoài tài liệu PEAD, Chính phủ Mỹ còn lập phi đội "máy bay ngày tận thế" E-4B và đã từng xây dựng nhiều hầm trú ẩn do lo sợ chiến tranh hạt nhân, thiên tai hay tấn công khủng bố. Nỗi lo gần đây nhất là các vật thể gần Trái đất (NEO - các tiểu hành tinh và sao chổi quay quanh Mặt trời nhưng có thể áp sát quỹ đạo Trái đất) có nguy cơ dù là rất nhỏ hủy diệt Trái đất.
Văn bản đầu tiên về chiến lược đối phó NEO được công bố vào tháng 6-2018. Đến tháng 4-2023, Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ (OSTP) trực thuộc Nhà Trắng đã công bố văn bản cập nhật với tựa đề "Chiến lược chuẩn bị quốc gia và Kế hoạch hành động đối với các mối nguy hiểm từ vật thể gần Trái đất và bảo vệ hành tinh (Chiến lược bảo vệ hành tinh quốc gia năm 2023)".
Chiến lược năm 2023 tập trung vào sáu mục tiêu trong 10 năm tới gồm: tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và mô tả đặc tính của NEO; cải thiện mô hình hóa, dự đoán và tích hợp thông tin về NEO để có thể đưa ra quyết định; phát triển công nghệ cho các nhiệm vụ trinh sát, làm chệch hướng và phá vỡ NEO nguy hiểm; tăng cường hợp tác quốc tế về chuẩn bị đối phó với NEO; áp dụng thường xuyên các thủ tục và quy trình hành động khẩn cấp liên quan đến các vụ va chạm của NEO; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan liên bang về khả năng bảo vệ Trái đất.
Năm 2004, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống George W. Bush đã xem xét lại toàn diện quyền hạn khẩn cấp của tổng thống nhằm cập nhật tài liệu PEAD. Theo Đạo luật tự do thông tin, Thư viện Tổng thống George W. Bush đã chuyển giao cho Trung tâm Brennan vì công lý (tổ chức phi lợi nhuận) hơn 500 trang tài liệu trong lần xem xét này và các lần xem xét tiếp theo vào năm 2006 và 2008. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 6.000 trang là tài liệu mật chưa thể công bố.
--------------------------
"Người chuẩn bị" là người lập kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ để tự sinh tồn mà không cần chính phủ trợ giúp. "Phong trào chuẩn bị" ra đời ở Mỹ từ những năm 1950, đến nay đã trải qua năm giai đoạn. "Người chuẩn bị" gồm thành phần nào, triết lý cá nhân của họ là gì?
Kỳ tới: Người chuẩn bị cho ngày tận thế, họ là ai?
Nhiều người cho rằng có ngày tận thế nên đã chuẩn bị đối phó với thảm họa, tạo ra hẳn "ngành công nghiệp" chuẩn bị.