Trong phiên giao dịch sáng nay (14-3), VN-Index nhiều lúc bị thử thách, về dưới tham chiếu. Song hết phiên, tỉ trọng mã tăng điểm cao hơn nhóm giảm điểm.
Ngân hàng góp sức lớn kéo lùi điểm số
Càng về cuối chiều, các mã đỏ lại càng chuyển thế áp đảo. Kết thúc một phiên giằng co, VN-Index giảm hơn 6 điểm, về vùng 1.264,26 điểm.
Lực cầu cao nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, tổng giá trị giao dịch cả ba sàn tích cực với hơn 33.000 tỉ đồng. Riêng HoSE, thanh khoản đạt gần 28.000 tỉ đồng. Cả sàn TP.HCM có 292 mã giảm điểm, đối trọng 193 mã xanh tăng giá.
Sự giảm giá của nhóm ngân hàng góp sức lớn vào việc kéo lùi điểm số chung thị trường. Trong top 10 kéo tụt điểm trong sáng nay, ngân hàng góp đến 9 cổ phiếu.
Hết phiên, BID, ACB, CTG, VCB, TCB, SAB, SSB, MBB, HDB, SHB, VPB, VIB… đều ngập chìm trong sắc đỏ.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra sáng nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 29-2, tín dụng vào nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023 và lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm là do nhiều nguyên nhân, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên đáng chú ý vẫn là yếu tố cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.
Cổ phiếu 'vua' - không còn hấp dẫn trong ngắn hạn?
Đội ngũ phân tích Chứng khoán Mirae Asset cũng vừa công bố báo cáo cập nhật về ngân hàng, trong đó có nhận định cơ hội rót tiền vào cổ phiếu ngành này.
Theo báo cáo, diễn biến thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang phần nào phản ảnh kỳ vọng của thị trường vào triển vọng ổn định của nền kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng trong năm 2024.
Do tỉ trọng của nhóm ngân hàng trên VN-Index là tương đối lớn, nên nhóm này đã đóng góp đáng kể cho chỉ số phục hồi.
Khi Mirae Asset so sánh diễn biến thị giá giữa các nhóm ngân hàng, nhận thấy phần đông ưa chuộng với nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong khi giai đoạn giữa năm 2023, các ngân hàng tư nhân được ưa chuộng hơn nhờ thị giá đã điều chỉnh sâu, tiềm năng tăng trưởng cao và các sự kiện xấu không xảy ra.
Về rủi ro với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia phân tích chỉ ra rủi ro hệ thống vẫn tồn tại. Ngoài các rủi ro hiện hữu như chất lượng tài sản nội bảng suy giảm, áp lực dự phòng cao cũng khiến nhiều ngân hàng phải đưa nợ xấu ra ngoại bảng theo dõi.
Ngoài ra, hiện tượng ngân hàng ghi nhận lỗ cũng đã xuất hiện trở lại sau một thời gian dài, trong khi các vấn đề tại SCB hay trái phiếu doanh nghiệp được ân hạn vẫn chưa xử lý triệt để trong thời điểm hiện tại. Vì vậy nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với các rủi ro trong cả ngắn và trung hạn.
Trong ngắn hạn, Mirae Asset cho rằng diễn biến giá sẽ tùy thuộc nhiều vào dòng tiền hơn là các yếu tố cơ bản. Hơn nữa, các cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng mạnh từ tháng 11-2023 và đang tiếp cận ngưỡng P/B (chỉ số được dùng để so sánh giá cổ phiếu trên thị trường cao/ thấp) trung bình 5 năm. Hay một vài ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử, thể hiện tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi trong năm 2024.
Kết lại, chuyên gia chứng khoán cho rằng sẽ không có quá nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn đối với nhóm ngành này, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư "thụ động" nhưng có thời gian nắm giữ ngắn. Do đó, giao dịch ngắn hạn sẽ phù hợp hơn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, kết hợp với phân tích triển vọng thị trường.
Sau phiên suy giảm thanh khoản trước thông tin phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hôm nay 13-3 tích cực trở lại, hơn 26.000 tỉ đồng trên HoSE.