Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-3, ông Đinh Minh Tuấn - giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan (thành viên Tập đoàn Property Guru) - cho biết dữ liệu thống kê của Property Guru cho thấy tăng trưởng giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội hiện tốt hơn hẳn so với TP.HCM.
Theo ông Tuấn, trong nhóm 15 dự án có sự tăng giá mạnh đều nằm ở Hà Nội, trong khi đó thị trường TP.HCM gần như không tăng trưởng, thậm chí còn giảm ở một số dự án.
Đáng chú ý, ông Tuấn cho hay có nhiều dự án tăng giá 25-30% sau một năm.
Trong khi đó, thị trường đất nền cũng đang có lượng tìm kiếm tăng vọt từ giai đoạn tháng 12-2023 cho tới nay. Cụ thể, tỉ lệ tìm kiếm cao hơn hẳn so với 2022-2023 và tiệm cận mức tìm kiếm của 2021. Ông Tuấn cho hay nhiều người bắt đầu tìm kiếm đất nền, đặc biệt là nhóm dưới 2 tỉ đồng, có giấy tờ pháp lý đầy đủ.
Trong khi đó, với thị trường nhà phố, những khu vực tại TP.HCM có lượng quan tâm tìm kiếm cao nhưng nguồn cung khan hiếm thuộc về khu vực Bình Chánh, quận 8, huyện Nhà Bè. Theo ông Tuấn, đây cũng là những khu vực có sự điều chỉnh về giá tương đối lớn hơn so với các khu vực khác.
"Những đợt thay đổi Luật Đất đai trước đây đều tạo ra những biến đổi lớn đến thị trường bất động sản, chắc cũng là lý do mà lượng tìm kiếm đột ngột tăng nhanh trong mấy tháng gần đây", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, báo cáo thị trường địa ốc tại TP.HCM và vùng phụ cận trong 2 tháng đầu năm của DKRA cho thấy nguồn cung căn hộ 2 tháng qua giảm, chỉ bằng 66% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng tiêu thụ nguồn cung mới giảm 53% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, phân khúc căn hộ hạng B chiếm 76% nguồn cung và 93% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường, tập trung hầu hết tại khu Tây TP.HCM. Đối với mặt bằng giá bán sơ cấp, đơn vị này ghi nhận mức giá không có nhiều biến động, mức tăng duy trì 3-6% đối với các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, bàn giao đúng tiến độ.
30% dự án bất động sản ở TP.HCM đã được gỡ vướng
Bộ Xây dựng cho biết trên cả nước có hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là "vướng mắc pháp lý", trong đó TP.HCM có hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai, hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay tổ công tác đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 142 dự án bất động sản, nhà ở trong tổng số 191 dự án mà các địa phương đã báo cáo. Riêng TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.
Doanh nghiệp địa ốc đã kiến nghị ba vấn đề lớn để khơi thông tăng trưởng tín dụng, giúp thị trường bất động sản phục hồi.