vĐồng tin tức tài chính 365

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

2024-03-15 09:16

Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất

Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô là sự kiện được cả thị trường mong chờ, khi Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành đã trực tiếp lắng nghe các vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp.

Đến ngày 29/02, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Chỉ có 2 lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán có mức tăng trưởng tín dụng đạt dương. Trong khi đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; thương mại dịch vụ… lại chứng kiến mức suy giảm. Hai nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ nên tín dụng thường tăng chậm vào đầu năm, và do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất, được nới hạn mức tín dụng. Đặc biệt, là công khai các mức lãi suất ưu đãi.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thẳng thắn nhận định: "Hiện nay, Tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với cả khoản vay ngắn hạn trong năm 2024. Năm 2023 tính chung tài sản đảm bảo này của các khoản vay chỉ khoảng 20% thì năm nay yêu cầu 100%. Nếu chúng ta giảm hạn mức, nghe có thể an toàn về phương diện vốn ngắn hạn nhưng thực ra lại mất an toàn về vốn dài hạn, vì không sản xuất thì không có tiền để trả vay dài hạn trước đây".

Cùng với đó, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng nói lên tâm tư: "Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ về lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Doanh thu của Vietnam Airlines đã quay trở về được 90% so với trước dịch, tổng doanh thu cũ là 100.000 tỉ/năm. Chúng tôi rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines".

"Hiện nay 6,4% đưa ra nhưng các ngân hàng cho vay với tỉ lệ bao nhiêu, hay vẫn 10%, vẫn 12%. Đề nghị ngành ngân hàng phải kiểm tra, xem tỉ trọng cho vay như Thống đốc đề ra thì ngân hàng cho vay được bao nhiêu, và lãi suất đó phải công bố mạnh mẽ trên truyền thông" – ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết.

Sở dĩ Hiệp hội nhắc đến con số 6,4%/năm là mức lãi suất bình quân cho các khoản vay mới, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị, tiếp tục giảm khoảng 0,7% so với cuối năm ngoái. Doanh nghiệp mong muốn lãi suất dù công khai, nhưng phải thực chất nữa.

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ngân hàng cũng có cái khó riêng

Cái khó của ngân hàng

Từ phía các Ngân hàng Thương mại, họ cũng chia sẻ dù đã nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất, nhưng thực tế, ngân hàng cũng cái khó riêng. Bởi một ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ phải cân đối đầu ra - đầu vào, thận trọng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng gửi tiền. Vì vậy, cũng không thể dễ dàng cho vay ưu đãi với những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính không đảm bảo.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank nêu ý kiến: "Doanh nghiệp đề cập tới cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, hay vấn đề cho vay doanh nghiệp đang bị lỗ. Đây là vấn đề rất lớn mà Ngân hàng Thương mại rất e sợ khi không có sự đảm bảo từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ, mà thiếu có tài sản đảm bảo hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ thì nó là thực tiễn".

Một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng cũng khó thúc đẩy tín dụng là lo ngại nợ xấu. Khó khăn của nền kinh tế đã khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao, trong khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào cuối năm 2023, khiến ngân hàng phải tăng chi phí trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ: "Nếu không xử lý nợ, không thu hồi được tài sản, không dám cho vay ra và cuối cùng làm tăng thêm chi phí. Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hạn vào ngày 31/12, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng trong vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác. Ngày xưa chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải hai đến ba năm mới xử lý được nợ".

Đa dạng hóa các kênh hỗ trợ

Giảm lãi suất là một trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, còn những chính sách khác, ví dụ như chính sách may đo riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực, thậm chí cho từng doanh nghiệp. Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng đã chia sẻ câu chuyện thực tế họ đã vượt qua khó khăn khi có một cơ chế hỗ trợ riêng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có ba dự án, từng nằm trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Nhưng nay đã hoạt động có lãi trở lại. Chính nhờ một phần vào việc các ngân hàng đã hỗ trợ tái cơ cấu nợ, giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì hoạt động. Lãi vay từ 11%/năm cũng được giảm về 8,55%.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ: "Âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, dẫn đến tình trạng rất khó để thoả mãn các yêu cầu về tín dụng để được cấp vốn. Tuy nhiên, các Ngân hàng Thương mại cũng đã tham gia vào việc hỗ trợ rất nhiều để cho ba đơn vị này hoạt động ổn định, duy trì được dòng tiền"

Dự án nhà máy lọc hoá dầu có quy mô vay vốn lên đến gần 5 tỷ USD. Quy mô vay lớn nên doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế riêng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho doanh nghiệp.

"Nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ các ngân hàng này, đặc biệt xem xét áp dụng cho từng trường hợp, như các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay đối với từng đơn vị, hoặc cho toàn tổ hợp thì có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước" – ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói thêm.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy hiệu quả cần có cơ chế thực hiện khả thi. Đại diện ngân hàng lấy ví dụ về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, giải ngân qua ngân hàng, nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh tính khả thi của dự án nên dù đã hết thời hạn, gói này mới giải ngân được khoảng 3%. Ngân hàng đề xuất cần thay đổi cơ chế, đơn giản quy trình thì gói hỗ trợ mới tới được tay doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank đưa ý kiến: "Thay vì trong tương lai chúng ta không nên lặp lại hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng. Theo tôi, đó là chính sách không thành công. Đề nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí ngành nào, lĩnh vực nào, hoàn thiện hồ sơ như hồ sơ hải quan thì trình Bộ Tài chính giải ngân thẳng vào tài khoản, cuối cùng đỡ phải kiểm tra, giải ngân, giám sát, 5 năm sau không phải thanh tra".

Các ý kiến cũng cho rằng bên cạnh ngân hàng, cần đa dạng hóa các kênh hỗ trợ vốn khác; nâng cao hiệu quả của các quỹ hỗ trợ, như Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ sáng tạo....

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô là sự kiện được cả thị trường mong chờ

"5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá"

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng về sự nỗ lực và những kết quả đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, như việc cơ cấu lại nguồn vốn lãi vay, chính sách lãi vay chưa phù hợp, chưa tương xứng với dư địa. Định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng khái quát bằng ba cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

Thủ tướng chỉ đạo: "Thứ nhất là tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới. Tăng thứ hai là tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng cho hệ thống của chúng ta; tăng thứ ba là tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng thứ tư là tính công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng thứ năm là tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Năm giảm" là giảm lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu… để chúng ta giảm lãi suất. Thứ hai là giảm chi phí giao dịch hoạt động. Thứ ba là giảm thủ tục hành chính. Thứ tư là giảm phiền hà, sách nhiễu gây khó khăn cho người dân. Thứ năm là giảm tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng.

Nhóm thứ là "Năm tăng tốc, bứt phá". Thứ nhất là tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng nền kinh tế".

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, nhất là hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần "Cùng làm - cùng hưởng - cùng thắng", đề cao trách nhiệm của các bên, cả phía ngân hàng và doanh nghiệp, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.92765951241304202-peihgn-hnaod-ohc-nov-gnod-gnoht-iohk/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools