Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km cùng nhiều vịnh nước sâu, kín gió, Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng phát triển hệ thống cảng chuyên dụng. Thế nhưng để có thể khai thác và trở thành các cảng chuyên dụng tầm quốc tế thì không phải là điều dễ dàng khi tổng thể còn nhiều vướng mắc.
Dù có nhiều khách hàng muốn thuê nhưng chiếc du thuyền này đã nằm bờ gần 1 năm nay. Bởi vẫn còn thiếu 1 trong gần 30 loại giấy tờ đăng ký đăng kiểm để hoàn thành thủ tục đưa vào sử dụng.
"Cứ 1 năm du thuyền nằm bờ như thế này chúng tôi đang mất gần 2 tỷ đồng bao gồm chi phí nằm bờ, quản lý và vận hành khai thác cùng các doanh số kinh doanh tương ứng", ông Nguyễn Đức Toái - Tổng Giám đốc Focus Marine cho biết.
Không chỉ phải đáp ứng cả vài chục giấy phép, có tàu rồi nhưng muốn dùng cũng cần có cảng chuyên dụng.
Để có thể khai thác được nhiều hơn thị trường khách quốc tế đến Việt Nam qua các tàu lớn, du thuyền thì cũng đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng phải có hạ tầng, khu vực neo đậu tàu thuyền phải theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thiết kế gần 220 bến đỗ cho tàu, du thuyền, thuyền buồm với tổng mức đầu tư xây dựng lên tới gần 1.000 tỷ đồng, đây là cảng du thuyền quốc tế duy nhất tại Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động. Nhưng qua gần 2 năm thử nghiệm, đại diện doanh nghiệp cho biết, cơ sở pháp lý cho loại hình cảng chuyên dụng này vẫn chưa được hoàn thiện.
"Đây là bến du thuyền quốc tế được đầu tư theo chiều sâu, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi nghĩ hành lang pháp lý quy định phù hợp hơn với thực tiễn thì nó tạo được điều kiện và thu hút hơn đối với các du thuyền hoặc các hành khách quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Bến du thuyền Quốc tế Ana Marina Nha Trang cho biết.
Thế giới đã phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng cho du lịch như: Gotemba - Nhật Bản, Clarke Quay - Singapore. Cảng du thuyền chuẩn quốc tế không chỉ là nơi neo đậu mà còn là một tổ hợp kinh tế: dịch vụ, du lịch, nhà hàng, vui chơi, giải trí, mua sắm có sức lan tỏa lớn, đặc biệt cần thiết với loại hình du lịch cao cấp.
Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Quy hoạch Giao thông vận tải nhận định: "Khai thác du thuyền, đặc biệt là du thuyền cá nhân đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế biển cũng như khai thác tiềm năng lợi thế về biển".
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: "Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã đề xuất xây dựng Đề án quản lý hoạt động du thuyền, kết quả của Đề án sẽ là cơ sở quan trọng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải".
Khi có số lượng tàu lớn, du thuyền gia tăng thì việc phải xây dựng các cảng chuyên dụng là nhu cầu thiết yếu để khai thác thế mạnh vốn có. Muốn vậy, cần bắt đầu từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48684312241304202-gnud-neyuhc-gnac-neirt-tahp/et-hnik/nv.vtv