Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội có đưa ra quy định mới: cấm kinh doanh thu lợi từ bảo vật quốc gia.
Cái lý của cơ quan soạn thảo luật là để giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia, ngăn chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi.
Nhưng liệu quy định này có thực sự giúp phát huy tốt nhất giá trị của các bảo vật quốc gia?
Chặn việc trục lợi
Về quy định trên, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đề xuất các hoạt động kinh doanh kiếm lời theo định nghĩa "kinh doanh" trong Luật Doanh nghiệp.
Quy định mới không cấm việc mua bán dân sự, chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung lẫn riêng ở trong nước theo quy định của pháp luật.
Quy định mới được đưa tại điểm c khoản 1 điều 40 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Để có quy định này đồng thời phải sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.
Đó là bổ sung thêm ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cụ thể "Kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia" và sửa phụ lục IV của Luật Đầu tư từ "Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia" thành "Kinh doanh mua bán di vật, cổ vật".
Theo Cục Di sản văn hóa, quy định cấm kinh doanh bảo vật quốc gia sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; giúp đảm bảo di sản văn hóa được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, những người xây dựng dự thảo luật này cũng thừa nhận nhược điểm của quy định mới là hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu bảo vật quốc gia.
Nhưng cân nhắc giữa được và mất, Bộ ăn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn quyết định đề xuất đưa vào quy định cấm kinh doanh bảo vật quốc gia.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi cũng đưa ra quy định "Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ở trong nước theo quy định của pháp luật".
Có nghĩa, tất cả di vật, cổ vật của Việt Nam không được phép chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ra nước ngoài. Luật cũ không cấm điều này. Đây cũng là quy định khiến nhiều nhà sưu tập cổ vật quan tâm góp ý kiến.
Cấm thì không xin danh hiệu bảo vật quốc gia
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) - đồng tình việc cấm kinh doanh bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước nhưng không nên cấm kinh doanh bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân.
Lý do là việc cấm này sẽ hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu bảo vật quốc gia như cơ quan soạn thảo luật cũng nhận thấy.
Ngoài ra, việc cho phép mua bán kinh doanh bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân, theo ông Đồng, sẽ tạo động lực cho những người có tiền mua cổ vật xuất xứ Việt Nam có giá trị đặc biệt ở nước ngoài mang về nước, trong khi Nhà nước còn khó khăn về ngân sách cho việc này.
Nên có những chính sách để khuyến khích khối tư nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa qua các cổ vật.
Về lập luận cấm kinh doanh bảo vật quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi, ông Đồng nói danh hiệu chỉ là một trong những yếu tố làm nên giá thành của bảo vật quốc gia, bên ngoài còn do thị trường quyết định.
Việc nhà đầu tư có thể kiếm lời từ bảo vật quốc gia không nên là lý do để cấm kinh doanh, mà Nhà nước nên quan tâm tới việc làm sao thu thuế tốt từ việc kinh doanh này.
Chủ một bảo tàng tư nhân có bảo vật quốc gia nói với Tuổi Trẻ rằng ông rất đồng tình việc cấm buôn bán kinh doanh cổ vật, di vật của Việt Nam ra nước ngoài.
Nhưng không nên cấm việc mua bán kinh doanh bảo vật quốc gia ở trong nước. Việc cho phép mua bán sẽ tạo động lực để các nhà sưu tập tư nhân đầu tư bảo vệ, phát huy giá trị các cổ vật.
Ông cũng góp ý với những cổ vật ở Việt Nam nhưng xuất xứ nước ngoài thì không nên cấm bán ra nước ngoài.
Ông dẫn trường hợp nếu Pháp cũng cấm bán cổ vật không phải của Pháp ra nước ngoài thì chúng ta không thể mua được ấn vàng Hoàng đế chi bảo để hồi hương như đã làm.
Ông Cao Văn Tuấn - chủ nhân Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật Đông Dương tại TP Hải Phòng - cũng không ủng hộ quy định cấm kinh doanh bảo vật quốc gia ở trong nước.
Theo ông Tuấn, nếu có quy định này thì ông tin rằng nhiều nhà sưu tập tư nhân có cổ vật quý giá sẽ không đăng ký xét công nhận bảo vật quốc gia.
Ông Tuấn lưu ý các nhà làm luật về trường hợp dân làng cổ Đường Lâm từng bức xúc đòi trả danh hiệu di sản quốc gia được trao cho làng này bởi những quy định đi kèm với danh hiệu khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp quá nhiều bất tiện, khổ sở.
Không chỉ không ủng hộ cấm kinh doanh bảo vật quốc gia, ông Tuấn còn đề xuất Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các bảo tàng tư nhân nói chung và hỗ trợ cho những bảo tàng đang bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia nói riêng.
Thông tin từ Cục Di sản văn hóa cho biết cả nước có 265 bảo vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia.
Trong đó có 13 bảo vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân. Việc công nhận bảo vật quốc gia với các bảo vật, nhóm hiện vật thuộc sở hữu tư nhân mới xuất hiện nhiều vài năm gần đây.
Hai khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và 50 đồng có niên đại từ năm 1947 ở Quảng Ngãi được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Vì sao hai khuôn in tín phiếu này giá trị đến vậy?