Tại lễ công bố chương trình đào tạo vi điện tử - thiết kế vi mạch của Trường đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) diễn ra ngày 15-3, nhà trường đã kết nối cho sinh viên và một số đại diện doanh nghiệp vi mạch lớn cùng gặp gỡ.
Học vi mạch cần trang bị kỹ năng gì
Sinh viên Trần Duy Nguyên (năm 2, khoa Điện tử viễn thông) đặt câu hỏi: "Ngoài khung chương trình đào tạo của trường, sinh viên nên chuẩn bị thêm những kiến thức, kỹ năng nào để được nhận vào các công ty vi mạch?".
Nguyên cũng thắc mắc liệu sinh viên năm 2 thì có cơ hội thực tập ở các công ty vi mạch hay không.
Trước câu hỏi trên, ông Nguyễn Phúc Vinh - giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam - cho biết mong muốn của các công ty công nghệ là sinh viên năm 2 tập trung học chuyên sâu các môn chuyên ngành.
Nếu có cơ hội vào được các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực này là điểm giúp ích lớn cho các bạn.
"Khi được tham gia thực hành trong các nhóm nghiên cứu chuyên sâu cùng các chuyên gia, các bạn không những được tiếp cận nhiều kiến thức chuyên môn mà còn có kỹ năng làm việc nhóm... là lợi thế cho sinh viên sau này", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, xuất phát điểm của thiết kế vi mạch là từ nước Mỹ. Đây là công việc đòi hỏi kiến thức rất chuyên sâu.
Có rất nhiều người Việt nổi tiếng trong lĩnh vực này nhờ đức tính cần cù, siêng năng, ham học hỏi, tỉ mỉ và cẩn thận. Đây là những điểm mạnh phù hợp gắn bó với ngành vi mạch.
Ông Vinh cho biết kiến thức được học nhiều nhưng khi làm thì chỉ làm một mảng nhỏ. Vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn sâu, sinh viên cần có tiếng Anh tốt, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để hợp tác tốt với các nhóm khác, cùng nhau đưa ra các giải pháp tốt cho sản phẩm mà bạn thiết kế.
Doanh nghiệp chào đón
Theo ông Vinh, Synopsys cũng thống kê nhu cầu về nhân lực từ các trường. Con số cho thấy có từ 400 - 500 kỹ sư ở TP. HCM và khoảng 200 kỹ ở Đà Nẵng mỗi năm. Công ty cũng có khoảng 50 vị trí thực tập hằng năm, cơ hội rất rộng mở cho sinh viên.
Sinh viên Nguyễn Thị Uyên Phương (năm 2 chuyên ngành kỹ thuật máy tính) hỏi: "Có cơ hội nào cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển của các công ty về vi mạch hay không?".
Ông Nguyễn Cao Thành, quản lý R&D Trung tâm phát triển sản xuất chip công nghệ mới Đà Nẵng, Công ty cổ phần bán dẫn FPT cho rằng đây là điều mà doanh nghiệp rất mong muốn.
"Công ty sẵn sàng nhận sinh viên từ năm 3, với điều kiện sinh viên sẽ có quá trình khoảng 9 tháng để đánh giá, sinh viên có thể được tham gia một phần vào dự án, sau đó được đẩy vào vị trí cao hơn khi các em ra trường.
Tất cả các công ty vi mạch đều có cơ hội mở rộng dành cho sinh viên, miễn các em có đam mê và nỗ lực", ông Thành nói.
Ngày 15-3, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chính thức công bố mở chương trình đào tạo vi điện tử - thiết kế vi mạch. Ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch thuộc khoa Điện tử - Viễn thông, bắt đầu tuyển sinh vào năm 2024 với số lượng 60 chỉ tiêu.
Trước đó, nhà trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cho việc giáo dục, thực hành ngành vi mạch.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch khẳng định sinh viên học ngành thiết kế vi mạch sau khi ra trường không chỉ làm việc cho các công ty trong lĩnh vực này ở Việt Nam.