Ngày 15-3, Công an huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết vẫn đang tiến hành đấu tranh với tài xế Lê Hoàng Quân (tài xế lái xe khách), để làm rõ việc anh này có cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình khi xe chạy lên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước vụ tai nạn hay không.
Trước đó vào ngày 10-3, anh Lê Hoàng Quân lái xe khách giường nằm chạy tuyến Nghệ An - Đồng Nai.
Khi đi trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì xảy ra va chạm với xe tải đang dừng đỗ bên đường để thay vỏ xe khiến 2 người chết, 8 người bị thương.
Theo luật sư Lê Cao (luật sư điều hành Công ty Luật FDVN, đoàn luật sư TP Đà Nẵng), Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hoặc xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị này lưu trữ và truyền dẫn thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).
Luật này cũng quy định không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô.
Do luật quy định việc đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị tước phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km trong 1 tháng nên theo ông Cao, nhiều nhà xe vì thế đã lắp thêm thiết bị có thể tắt sóng của thiết bị giám sát hành trình nhằm thỏa sức chạy quá tốc độ, coi thường tính mạng hành khách.
Ông Cao cũng nói rằng tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), trường hợp không lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc dù đã có gắn nhưng thiết bị không hoạt động động theo quy định, hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị trên ô tô thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Chủ xe là cá nhân kinh doanh bị phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng, nếu là doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
"Theo tôi mức phạt hành chính như vậy là tương đối nhẹ, đồng thời không phải lúc nào cũng giám sát được việc tắt thiết bị giám sát, do đó nhiều tài xế sẽ không sợ và có thể tái diễn hành vi vi phạm" - ông Cao nhận định.
Ông Cao cũng cho rằng cần có mức phạt lớn hơn để răn đe hoặc có thể bổ sung quy định phải thu hồi phù hiệu, xử lý trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh để đảm bảo họ không dám thực hiện các hành vi vi phạm.
Về trách nhiệm pháp lý của tài xế xe khách, theo luật sư Lê Cao, anh Quân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tùy mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến mức cao nhất là 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Công an huyện Phong Điền đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tài xế của xe tải và xe khách trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.