Ngày 17.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Theo Sở Y tế, hiện toàn TP.HCM có 73 điểm tiêm ngừa bệnh dại đang hoạt động. Trung bình mỗi tháng có 9.500 người đi tiêm phòng bệnh dại do bị động vật cắn. Trong số đó có 74% do chó cắn (hoặc cào), 19,5% do mèo, còn lại là các động vật khác; có 15% người phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại.
TP.HCM không ghi nhận gia tăng số trường hợp phải tiêm ngừa dại trong tháng 1 và tháng 2.2024.
Trước đó, ngày 14.3, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Tại công điện này, bên cạnh yêu cầu các Bộ, ngành các tỉnh thực hiện việc truyền thông nuôi chó mèo, đảm bảo tiêm ngừa cho vật nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra nhiều trường hợp người chết vì bệnh dại (như tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên) và nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho tổng đàn chó đạt thấp dưới 10% (như tại các tỉnh Quảng Bình, Hậu Giang, Bình Định và Quảng Nam).
Tiếp đó, ngày 15.3, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do dại cao.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 ca tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 ca). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.
Theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2023 ghi nhận 347 trường hợp bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 trường hợp và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh dại vào mùa sớm
Theo báo cáo của Hệ thống tiêm chủng VNVC, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, số mũi tiêm phòng bệnh dại của hệ thống này tăng 300%. Trong đó các tỉnh miền Đông và Bắc Trung bộ tăng cao nhất.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, số ca mắc bệnh dại thường tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Nhưng hiện số người dân tiêm vắc xin dại tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy bệnh dại vào mùa sớm hơn mọi năm.