Gia tăng áp lực chi phí
Tại nhiều vùng trồng thanh long trên cả nước, đây là thời điểm bà con bắt đầu thu hoạch. Thanh Long ra trái vụ, sản lượng không nhiều, bình thường phải bán được giá cao. Nhưng giờ thì ngược lại, thanh long liên tục rớt giá kể từ sau Tết Nguyên Đán. Giá giảm đồng nghĩa với áp lực chi phí tăng cao. Điều này mang tới nhiều nỗi lo cho bà con Bình Thuận - vùng trồng thanh long lớn nhất trên cả nước.
Vườn thanh long trong ngày thu hoạch. Nông dân vừa làm vừa lo khi giá thanh long rớt mạnh kể từ sau Tết đến nay. Từ chỗ 19.000 -20.000 đồng/kg, giờ giá thanh long bán tại vườn chỉ còn 10.000 đồng/kg, giảm đi gần nửa mức giá.
Tiền thuê nhân công thu hoạch, mỗi ngày có ít thì cũng 350.000 đồng/người. Để có trái thanh long thu hoạch ngày hôm nay, trước đó suốt 3 tháng, nhà vườn phải bỏ ra những khoản tiền cho các khâu bón phân, tưới nước và tốn nhất là tiền điện để chong đèn cho thanh long ra trái nghịch vụ. Theo tính toán của nhà vườn, một kg thanh long bán ra, tối thiểu 13.000 đồng thì mới bù được chi phí như hiện tại.
Anh Nguyễn Vĩnh Huy - Người trồng thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, giá từ 13.000 đồng trở lên là được, nếu 10.000 đồng trở xuống là không đủ chi phí rơm phân, mướn người làm và sẽ lỗ.
Nhưng chỉ những lúc sức tiêu thụ mạnh, hút hàng thì thanh long mới có giá. Và giá thanh long trên thị trường không phải do nông dân quyết định mà phụ thuộc các vựa thu mua. Các vựa này lại dựa theo khả năng tiêu thụ thanh long ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu rồi mới đưa ra mức giá mua gom từ các nhà vườn.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vựa thu mua thanh long, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chia sẻ: "Nói chung, giá thanh long lúc lên lúc xuống, khi thị trường ăn mạnh thì có giá, thị trường không ăn mạnh thì giá xuống".
Diện tích thanh long ở Bình Thuận khoảng 27.000 ha, cho sản lượng mỗi năm không dưới 600.000 tấn, đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, ngành hàng thanh long của Bình Thuận cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công thanh long. Năm 2023, Trung Quốc đã công bố sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm, cao hơn Việt Nam.
Như vậy, giá thanh long mà nông dân bán ra, không thể cao như mong muốn bởi mặt hàng thanh long Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh từ sản phẩm thanh long ở các nước khác. Cũng vì vậy, yêu cầu bức bách đối với những vùng chuyên canh thanh long là làm sao giảm chi phí sản xuất, để mức giá nếu có thấp thì cũng đảm bảo cho nông dân duy trì sản xuất.
Trong cái khó, bà con Bình Thuận đã ló ra nhiều cách làm hay
Vùng trồng thanh long thích ứng thị trường
Thanh long từng nằm trong nhóm trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có thời điểm đem về kim ngạch 1 tỷ USD/năm. Thế nhưng trong ba năm trở lại đây, xuất khẩu thanh long liên tục sụt giảm và thanh long rời khỏi nhóm hàng tỷ đô của Việt Nam. Làm sao để giảm chi phí chăm sóc nhưng vẫn nâng cao được chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường mới. Trong cái khó, bà con Bình Thuận đã ló ra nhiều cách làm hay.
Trồng thanh long trái vụ, buộc phải chong đèn để kích thích cây ra hoa, kết trái. Mỗi đêm, nhà vườn phải chong đèn từ 8-10 giờ, suốt gần 2 tháng. Chi phí chong đèn bởi vậy là không hề nhỏ. Đây cũng là lý do mà gần đây, nhiều nông dân đã thay bóng đèn compact 25W bằng bóng đèn led 9W. Hiệu quả dễ thấy là tiền điện giảm đáng kể.
Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, Bình Thuận là một trong những người đầu tiên ở vùng thanh long Bình Thuận đã thay đèn led cho toàn bộ bóng đèn trong vườn thanh long. Nhà vườn được hỗ trợ một nửa chi phí khi tham gia vào dự án giảm phát thải carbon - một dự án do Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn triển khai tại Bình Thuận và Bạc Liêu từ cách đây 3 năm.
Ông Hiệp chia sẻ, sau khi chong đèn thấy hiệu quả. Bóng đèn 25W giảm xuống bóng đèn 9W, giảm hơn một nửa tiền điện. Khu vườn nhà ông Hiệp, nước tưới cho thanh long cũng theo kiểu nhỏ giọt. Giảm gần một nửa lượng nước cũng đồng nghĩa giảm chi phí bơm tưới.
Những khoản lợi dễ thấy ở khu vườn này đã khiến các thành viên trong hợp tác xã cùng mạnh dạn thay đổi. Theo cách làm này, cả bốn hợp tác xã, doanh nghiệp ở Bình Thuận với gần 5.000 người đã hưởng lợi khi thay đổi lối canh tác trong khu vườn của mình.
Đồng thời với giảm chi phí sản xuất, nông dân khi tham gia trong chuỗi thanh long của hợp tác xã cũng đã thuần thục hơn với quy trình canh tác có kiểm soát, sản phẩm làm ra truy xuất được nguồn gốc.
"Mình ghi trong nhật ký, sau này lô hàng mình xuất đi có bằng chứng, chứng từ lô nào mình đã làm là mình biết" - ông Lê Ngọc Thạch - Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết.
Mỗi hộ gia đình thành viên được cấp tem để dán trên trái thanh long khi xuất bán. Người tiêu dùng, dùng điện thoại để quét mã, dễ dàng biết được thông tin về nguồn gốc, chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm. Đây là thay đổi hết sức quan trọng để thanh long Bình Thuận được người tiêu dùng chấp nhận, nhất là ở những thị trường khó tính.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nhận định: "Việc chong đèn trái vụ để xử lý hoa, bón phân các loại phân hữu cơ hay sử dụng tưới nước kết hợp bón phân, những quá trình sử dụng vật liệu đầu vào hoặc quá trình chăm sóc đó được theo dõi bằng sổ nhật ký điện tử, người sản xuất chứng minh được tính minh bạch sản phẩm thì người tiêu dùng chọn lọc sản phẩm mà chúng ta đã làm ra".
Tỉnh Bình Thuận chủ trương không mở rộng diện tích thanh long mà đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững, giảm chi phí, giảm ảnh hưởng đến môi trường từ đó nâng sức cạnh trạnh cho mặt hàng thanh long.
Hiện tại, thanh long của Bình Thuận đã có mặt ở hơn 20 thị trường trên thế giới. Với những cách làm mới, vừa tăng chất lượng, lại dễ truy xuất nguồn gốc, thanh long Bình Thuận hi vọng có thể chinh phục được thêm nhiều thị trường mới trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7163259081304202-aig-aun-nag-tor-gnol-hnaht/et-hnik/nv.vtv