Không phải các bộ, ngành "ép lên hay ép xuống"
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/3, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) chất vấn, nhiều cử tri phản ánh, thời gian qua việc điều chỉnh thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời dẫn đến giá xăng dầu được xác định là chưa phù hợp.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quan điểm của Bộ trưởng về nội dung này? Giải pháp trong thời gian tới trong việc tính chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức trong tính giá xăng dầu?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, chi phí định mức về xăng dầu chiếm từ 7% - 12%. Quy trình để thực hiện chi phí này là các doanh nghiệp đầu mối sau một kỳ điều hành sẽ tập hợp các hồ sơ và các chi phí để lên gửi cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Với quy trình hiện nay, các bộ chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của các doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải các bộ, ngành "ép lên hay ép xuống".
Tranh luận liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có trả lời Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thêm 50% đối với xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết "có lẽ" sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết 42 của UBTVQH đã quyết định giảm thuế BVMT với xăng dầu từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Nghị quyết 110 của Quốc hội cũng đã quy định giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024.
Trả lời ý kiến tranh luận của ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận việc sử dụng từ "có thể", "đã được" trong phần trả lời chất vấn trước là chưa chính xác. Theo Bộ trưởng, đối với thuế bảo vệ môi trường đã được giảm cả năm, còn về VAT giảm 2% từ 10% xuống còn 8%.
Bộ trưởng cho rằng, khó khăn của nền kinh tế là chúng ta phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, pháp lý, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí. Vì giảm thuế phí khiến tăng chi ngân sách, giảm sức mạnh của tài chính công, dẫn đến thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế.
Giá vé máy bay càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đặt câu hỏi: "Xin Bộ trưởng cho biết vì sao vé máy bay trong thời gian qua tăng cao?. Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại và để kích cầu cho ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh?".
Trả lời chất vấn, ông Phớc cho biết, đối với giá máy bay theo quy định của Luật Giá thì Bộ Giao thông vận tải sẽ là người quyết định khung giá máy bay, còn giá máy bay vận hành trong khung là do các công ty kinh doanh bay thực hiện. Bay căn cứ vào nhu cầu để định giá máy bay phù hợp. Vừa qua giá vé máy bay dù có tăng nhưng các công ty vẫn lỗ.
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tranh luận liên quan đến việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay, điện. Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, ông An cho rằng, không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…
Đại biểu nhấn mạnh, đối với các mặt hàng này đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. "Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Hiện nay, chi phí của Vietnam Airline đang cao quá. Còn giá điện lâu nay "chỉ có lên chứ không xuống" mà EVN vẫn lỗ…", đại biểu An nêu rõ.
Đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị, cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra nội dung này để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, giá vé máy bay hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá. Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành có 15 mức, hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.
Bộ trưởng thông tin thêm, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, Luật Giá vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định.
Ông Phớc lý giải thêm, 4 năm qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không. Việc giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân quan tâm hơn ai hết.
Với Vietnam Airlines, hiện nay Ủy ban quản lý vốn, Bộ Giao thông vận tải cũng rất quan tâm, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu để tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.