Sáng 18/3, tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?
Trả lời nội dung về giá vàng, ngoại tệ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước không thuộc Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, có nghĩa quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam. Bộ Tài chính đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này.
Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. Do vậy, Bộ Tài chính đang siết chặt vấn đề này.
Để giá vàng, USD xuống, ông Phớc cho rằng, theo ý kiến cá nhân ông cần triển khai một loạt giải pháp như vàng liên quan đến cung cầu, xuất nhập khẩu. Vậy thì có nhập khẩu vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào?
Ông Phớc cũng nêu vấn đề có lợi dụng tâm lý khi đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả lắm, gửi ngân hàng lãi suất thấp thì dòng tiền này vào vàng hay không?
Việc này ông Phớc chỉ rõ cần một loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng.
Về giá USD, bộ trưởng chỉ rõ thể hiện sức mạnh của đồng tiền, tuy nhiên, khi đồng tiền Việt Nam hạ giá cũng có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng tác động của xuất khẩu thế nào?
Hay vấn đề đồng tiền làm thế nào để tỉ giá trước đồng USD không mất giá, theo ông Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời bổ sung.
Trước đó, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Hai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tại Chỉ thị Số 06 ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24, đưa ra đề xuất về giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý 1 năm 2024.
Vào cuối năm 2023, Thủ tướng cũng đã có Công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng về nội dung này, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường; không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao.