Tuy nhiên, tình trạng thiếu dữ liệu và chưa liên thông dữ liệu giữa các ngành, các cơ quan đang cản trở quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số.
Thủ tục hành chính thông thoáng hơn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số trụ sở phường ở Hà Nội như Dương Nội (Hà Đông), Thượng Đình (Thanh Xuân), Dịch Vọng (Cầu Giấy), Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội..., việc sử dụng giấy tờ bản điện tử như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế bản điện tử đã phổ biến hơn, giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính thông thoáng hơn.
Người dân chỉ cần cầm theo chiếc điện thoại thông minh hoặc giấy chứng minh nhân dân (CMND), thẻ căn cước công dân (CCCD).
Chị Nguyễn Thị Minh, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội, cho biết khi nhập viện chỉ cần xuất trình thẻ CCCD là được giải quyết các chế độ bảo hiểm.
Việc áp dụng thẻ bảo hiểm y tế bản điện tử trên VSSID, CMND hoặc thẻ CCCD để khám chữa bệnh, theo chị L.M.P., y tá đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội, được áp dụng từ năm 2021. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho bệnh nhân mà cả nhân viên cũng cảm thấy thoải mái hơn vì không phải lưu giữ thẻ bảo hiểm y tế bản giấy trong quá trình khám chữa bệnh.
Tương tự, tại bộ phận một cửa của phường Dương Nội, nhiều bạn trẻ tới đóng dấu hồ sơ xin việc chỉ cần xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD là được cán bộ phường xác nhận hồ sơ xin việc.
Chị Nguyễn Phương Mai, một công dân đến làm thủ tục, cho biết so với trước đây việc xác nhận hồ sơ đơn giản hơn, người làm thủ tục không còn phải mang theo các bản giấy của sổ hộ khẩu, giấy khai sinh; mọi thông tin cá nhân đều được cán bộ phường xác nhận theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dữ liệu chưa thông suốt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Thảo, cán bộ UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), cho biết mỗi năm bộ phận một cửa tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý khoảng 1.500 bộ hồ sơ qua dữ liệu điện tử. Điều này giúp cán bộ cơ sở lưu trữ thuận tiện, tra cứu nhanh.
Ví dụ trước đây viết khai sinh bằng giấy thì bây giờ in trực tiếp. Người dân nếu dùng quen cổng dịch vụ công điện tử thì rất thuận tiện, chỉ cần vài cái click chuột là xong bộ hồ sơ. Công dân không phải đến trụ sở UBND phường vẫn có thể hoàn thiện hồ sơ tại nhà vì trên hệ thống đã có hướng dẫn rất cụ thể.
Tuy nhiên theo bà Thảo, mỗi lần thay đổi phần mềm dẫn đến dữ liệu bị mất đã gây khó khăn, mất thời gian cho cán bộ cơ sở khi tra cứu, lưu trữ. Hơn nữa, tình trạng mỗi nhà cung cấp lại xây dựng một phần mềm điện tử khác nhau gây khó khăn vì người dân quen sử dụng phần mềm cũ, công chức cơ sở phải nghiên cứu lại từ đầu.
"Có lúc phần mềm bị chậm, lỗi, không vào được dẫn đến mất thời gian. Hồ sơ dữ liệu cập nhật không đủ nên cán bộ tư pháp phải liên hệ qua công an phường để lấy thêm thông tin", bà Thảo nói.
Bà Thảo cho biết thêm hiện nay mới chỉ có khai sinh người dân nhập lên dịch vụ công quốc gia. Dữ liệu của TP Hà Nội vẫn chưa liên thông với dữ liệu dịch vụ công quốc gia nên cũng gây mất thời gian khi làm thủ tục hành chính.
Ông Trịnh Văn Sơn, cán bộ UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), cho hay hiện phần mềm xác thực chưa cập nhật hết. Ví dụ khi tra cứu chỉ biết nơi ở hiện tại của công dân và không có dữ liệu trước đó nên cán bộ phường phải thông qua công an xem hồ sơ.
"Thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân từng cư trú ở nhiều nơi thì dữ liệu không có thông tin nơi ở trước đây. Có công dân đăng ký kết hôn rồi nhưng phần mềm (cổng dịch vụ công của TP - pv) chưa thể hiện đăng ký kết hôn do cập nhật chưa hết được dữ liệu...", ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, thời gian tới dữ liệu hộ tịch phải tiếp tục cập nhật đầy đủ quá trình sinh sống, cư trú từng nơi, từng đăng ký kết hôn ra sao... Điều này sẽ giúp thủ tục hành chính nhanh gọn hơn.
Còn nhiều nút thắt cần gỡ
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, kết nối và liên thông dữ liệu tốt giữa cơ quan này với cơ quan kia, từ cơ quan tư pháp đến cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ mang lại lợi ích cho xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế có việc chậm sử dụng giấy tờ điện tử vì sự kết nối giữa các cơ quan, đặc biệt ở cấp cơ sở như phường, xã. Thủ tục hành chính nội bộ từng ngành, lĩnh vực dễ xử lý nhưng việc kết nối giữa các ngành còn chậm. Ông Đồng đặt câu hỏi liệu có tâm lý "quyền anh quyền tôi, không muốn chia sẻ dữ liệu với ngành khác"?
Theo ông Đồng, có thể tăng tốc thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng điện tử.
Hai năm qua, Bộ Công an đã rất nỗ lực trong việc xây dựng dữ liệu dân cư, tốc độ triển khai nhanh. Nhưng giải quyết một thủ tục trên nền tảng điện tử cần nhiều dữ liệu khác nhau, ví dụ như việc làm giấy khai tử, cấp giấy khai tử do ngành tư pháp thực hiện nhưng trả tiền tử tuất lại do ngành bảo hiểm xã hội thực hiện. Do đó rất cần sự liên thông.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Những giao dịch hành chính, thủ tục nào nhiều người dùng nhất cần ưu tiên làm tốt trước. Không nên chạy theo số lượng, phong trào, thành tích mà cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân để làm từng khâu.
Vướng mắc lớn cần giải quyết
Một trong những vướng mắc lớn nhất là quy trình giải quyết thủ tục hành chính bằng giấy truyền thống được thiết kế từ trước tới nay không tương thích với quy trình kỹ thuật trên môi trường điện tử. Điều này dẫn đến địa phương muốn đẩy mạnh giải quyết trên môi trường số cũng không làm được vì thủ tục do cấp trung ương quy định.
Mặt khác, số đông người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, việc thiết kế các thao tác trên điện thoại cơ bản là chạm trên màn hình cảm ứng. Nhưng việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến hiện nay lại được thiết kế trên giao diện màn hình máy tính để bàn, trong khi không phải người dân nào cũng có máy tính để bàn.
Trong báo cáo đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an chỉ rõ tình trạng lộ, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.