Đồng Nai đánh giá các dự án đường cao tốc đã và đang triển khai trên địa bàn chưa đạt quy mô hoàn chỉnh. Vì vậy tỉnh đề xuất bộ ngành liên quan có ý kiến để điều chỉnh, bổ sung các dự án cao tốc.
Ở dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư nâng cấp dự án thành phần 1A lên tiêu chuẩn cao tốc 4x3,75m.
Đồng thời nâng vận tốc thiết kế từ 80km/h lên 100km/h và bố trí làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến.
Cũng ở dự án vành đai 3 - TP.HCM, dự án thành phần 3 có quy mô bốn làn xe cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h. Tuy nhiên thiết kế 4-5km mới có điểm dừng khẩn cấp nên Đồng Nai (làm chủ đầu tư) sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu bổ sung hạng mục làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến.
Tương tự, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (đầu tư hình thức PPP, đang trình thẩm định hồ sơ dự án), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án này có quy mô bốn làn xe cao tốc 4x3,75m. Vận tốc thiết kế 100km/h. Tuy nhiên, làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp.
Do vậy Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến.
Đối với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (đầu tư hình thức PPP, đang trình thẩm định hồ sơ dự án), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô bốn làn xe cao tốc, 4 x 3,5m. Vận tốc thiết kế 80km/h.
Theo tỉnh Đồng Nai, việc thiết kế làn dừng khẩn cấp ở dự án trên không liên tục, giống như dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Do đó, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu bổ sung làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến, mở rộng làn xe 4 x 3,75m, nâng tốc độ thiết kế lên 100km/h.
Thiết kế như vậy mới đồng bộ với quy mô, tốc độ thiết kế giống như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Giải thích về nội dung kiến nghị trên, tỉnh Đồng Nai cho hay cả ba dự án trên đều có phạm vi giải phóng mặt bằng theo giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch. Do đó việc điều chỉnh nâng cấp dự án thành phần theo tiêu chuẩn cao tốc, bổ sung làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến của ba dự án không phát sinh thêm khối lượng giải phóng mặt bằng.
Đối với dự án có dính đến phần đất lúa, đất rừng, tỉnh Đồng Nai cho hay đã được thẩm định hoặc phù hợp với quy định pháp luật.
Cụ thể như dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc thuộc trường hợp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư nên không phải thực hiện thủ tục phê duyệt danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa…
Yêu cầu đề xuất, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc
Cuối tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư.
Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu ngay các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả… trên các tuyến đường bộ cao tốc.
Đồng thời phối hợp ngay với các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải, trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô hai làn xe.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến (như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...), ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc trong quý 1 năm 2024.
Do gặp khó về nguồn vật liệu, giá trị sản lượng 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau nửa năm thi công mới đạt 5% thay vì 10% như kế hoạch.