Không thể lưu trữ kho báu nhân loại dưới dạng kỹ thuật số vì số lượng quá lớn và chi phí quá đắt. Từ đó kho lưu trữ dữ liệu ra đời trên đảo Spitsbergen.
Từ tuyên ngôn độc lập của Mexico đến ảnh vệ tinh
Đảo Spitsbergen phủ đầy băng là đảo duy nhất có người cư trú (khoảng 2.600 dân) và là đảo lớn nhất trong quần đảo Svalbard tọa lạc giữa miền bắc Na Uy với Bắc Cực.
Khu vực quanh đảo rất vắng vẻ. Đây là nơi cứ một cư dân thì có đến 10 con gấu Bắc Cực, nơi Mặt trời không mọc suốt bốn tháng mỗi năm và cực quang nhảy múa lung linh trên bầu trời.
Trên đảo có một ngọn núi. Ở độ sâu 300m dưới ngọn núi có mỏ than số 3 đã ngừng hoạt động từ năm 1995. Căn hầm vòm thép đã được xây dựng trong mỏ than và được gọi là kho lưu trữ thế giới ở Bắc Cực.
Nơi này chỉ cách kho hạt giống toàn cầu Svalbard chưa đầy 15 phút đi xe.
Kho lưu trữ nhắm đến mục đích tương tự như kho hạt giống toàn cầu Svalbard, đó là chọn một địa điểm hẻo lánh bất khả xâm phạm trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực để tránh các mối đe dọa như thiên tai và xung đột.
Song nếu kho hạt giống Svalbard được Chính phủ Na Uy phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế quản lý thì kho lưu trữ là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận do Công ty công nghệ Piql thành lập và cùng hợp tác với Công ty khai thác mỏ Store Norske Spitsbergen Kulkompani (SNSK - 100% vốn nhà nước) quản lý.
Công ty Piql ở Drammen (Na Uy) do kỹ sư Rune Bjerkestrand thành lập vào năm 2002, ban đầu sản xuất các định dạng video kết nối phim analog và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Sau khi thế giới chuyển sang kỹ thuật số hoàn toàn, công ty đã điều chỉnh công nghệ theo xu hướng lưu trữ.
Lúc kho hạt giống toàn cầu Svalbard đi vào hoạt động vào tháng 2-2008, ông Bjerkestrand tự nhủ: "Tại sao không làm điều gì đó tương tự với dữ liệu số của chúng ta?". Thế là dự án kho lưu trữ thế giới ở Bắc Cực ra đời, kho bắt đầu hoạt động từ ngày 27-3-2017. Công ty SNSK phụ trách bảo đảm an ninh.
Các quốc gia đầu tiên gửi tài liệu lưu trữ là các cơ quan lưu trữ quốc gia của Brazil, Mexico và Na Uy. Hầu hết khách hàng là các bảo tàng, chính phủ hoặc công ty lớn.
Khách hàng có thể gửi dữ liệu đến kho lưu trữ (có tính phí) dưới định dạng kỹ thuật số hoặc dạng vật lý. Sau khi dữ liệu được lưu trữ, khách hàng vẫn có thể đề nghị thu hồi bất cứ lúc nào. Công ty Piql tính phí hằng năm nhưng không công khai giá.
Hiện nay kho lưu trữ đủ mọi tài liệu như hiến pháp, các tài liệu quản lý, kho tàng lịch sử, tác phẩm nghệ thuật bậc thầy, âm nhạc, nghệ thuật đương đại, bản vẽ kiến trúc, khám phá khoa học.
Năm 2017, lá cờ nước nguyên thủy, bản tuyên ngôn độc lập và các bản hiến pháp từ năm 1814 - 1917 của Mexico đã được đưa đến kho. Ngoài ra còn có các bản thảo về cuộc chinh phục Mexico của người Tây Ban Nha, hồ sơ của Tòa án tối cao Mexico từ năm 1583 - 1994.
Năm 2019, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã ký gửi hồ sơ quan sát Trái đất, sau đó tiếp tục gửi thêm dữ liệu từ các vệ tinh viễn thám ERS và các vệ tinh quan sát Trái đất.
Kho đang lưu trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật được các tổ chức nổi tiếng bảo tồn như bản sao số hóa bức tranh Tiếng thét của Edvard Munch; tranh của Rembrandt, tài liệu thiết yếu được Thư viện Vatican lưu giữ, trong đó có bản sao kỹ thuật số bản thảo Thần khúc của Dante; bản quét ba chiều đền Taj Mahal ở Ấn Độ.
Ngoài ra còn có các tác phẩm của các nhân vật đoạt giải Nobel, các phần mềm tin học như Microsoft Office cũng như những đột phá quan trọng trong khoa học.
Kho còn lưu trữ 21 terabyte dữ liệu mã nguồn mở được GitHub (dịch vụ lưu trữ mã nguồn trực tuyến và kho lưu trữ phần mềm lớn nhất thế giới) trao tặng.
Phim quang học độc quyền lưu trữ dữ liệu đến 1.000 năm
Dữ liệu được lưu trữ dưới dạng mã nhị phân trong các cuộn phim vật lý. Đây là loại phim quang học đặc biệt (piqlFilm) được Công ty Piql phát triển riêng.
Trên trang The Verge (Mỹ), ông Bjerkestrand giải thích đầu tiên các tệp thuộc bất kỳ loại dữ liệu nào (tài liệu, PDF, JPG, TIFF...) được chuyển đổi thành mã QR lớn và có độ phân giải rất cao. Sau khi dữ liệu được in trên phim piqlFilm, các cuộn phim sẽ được lưu trữ.
Phương pháp của Piql hoàn toàn dựa trên phần cứng. Nếu cuộn phim còn thì mã QR còn.
Để bảo mật, dữ liệu lưu trữ không được kết nối với Internet. Ông Bjerkestrand nhận xét: "Lưu trữ đám mây rẻ tiền và dễ tiếp cận nhưng cũng có nghĩa mọi người đều có thể hack dữ liệu". Khi có yêu cầu từ khách hàng, nhân viên kho truy xuất cuộn phim piqlFilm liên quan theo kiểu thủ công và tải dữ liệu qua kết nối cáp quang.
Quy trình này có thể mất từ 20 - 30 phút. Trên mỗi hộp phim có bộ hướng dẫn có thể đọc bằng kính lúp giải thích cho thế hệ tương lai biết cách đọc mã QR. Hướng dẫn được viết bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Hindi.
Công ty Piql khẳng định các hộp phim lưu trữ hầu như không thể bị phá hủy. Công ty đã thử nghiệm phá bằng xung điện từ, bức xạ hạt nhân cực mạnh và nhiệt độ -196°C nhưng không ăn thua. Phim được phủ bằng tinh thể bạc halogenua và oxit sắt có tuổi thọ được cho là từ 500 - 2.000 năm.
Theo trang The Huslle (Mỹ), hầu hết báo chí đều gọi kho lưu trữ thế giới ở Bắc Cực là "kho ngày tận thế" song Công ty Piql lại thích biệt danh "hầm hy vọng" nhiều hơn. Nhiệt độ tối ưu trong lòng núi còn là nguyên nhân giúp lưu trữ dữ liệu an toàn lâu dài.
Ông Bjerkestrand giải thích: "Không cần nguồn năng lượng nào để duy trì nhiệt độ này. Nhiệt độ sâu trong lớp băng vĩnh cửu đạt mức âm 5 độ hoặc đến âm 10 độ. Đây còn là khu vực khá khô ráo. Không khí rất lạnh và khô là điều kiện hoàn hảo để bảo quản phim lâu dài".
Kho lưu trữ trong hầm mỏ sâu 300m dưới mặt đất nên không thể bị vũ khí hạt nhân tác động.
Ngoài ra, quần đảo Svalbard còn có một lợi thế khác. Các đảo quá xa đất liền và hiệp ước quốc tế về Svalbard được ký kết vào tháng 2-1920 tại Paris (Pháp) đã quy định không sử dụng Svalbard vào mục đích quân sự.
Như vậy các quốc gia không lo tài liệu quốc gia được lưu trữ ở đây một ngày nào đó có thể mất đi do xung đột bùng nổ.
Trên thế giới có một số dự án mong muốn bảo tồn nền văn minh nhân loại như kho hạt giống toàn cầu Svalbard và kho lưu trữ thế giới ở Bắc Cực.
Theo báo The Guardian (Anh), nhà vi sinh học Maria Gloria Dominguez-Bello - người Mỹ - đã đưa ra sáng kiến Microbiota Vault với ý định bảo tồn đa dạng sinh học của các vi sinh vật như vi khuẩn, nấm và vi rút. Tổ chức phi lợi nhuận Microbiota Vault ra đời năm 2019. Sáng kiến đang trong giai đoạn đầu thực hiện.
Năm 2021, GS Jekan Thanga ở Đại học Arizona đã đưa ra ý tưởng xây dựng kho lưu trữ lạnh hạt giống, tinh trùng và trứng hoạt động bằng năng lượng mặt trời trên Mặt trăng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của Trái đất nếu xảy ra sự kiện thảm khốc.
Ông cho rằng các kho lưu trữ trên Trái đất không ổn vì lớp băng vĩnh cửu ở Svalbard đang tan, nhiều bộ sưu tập trong các ngân hàng gene bị phá hủy hoặc bị cướp bóc như ở Iraq và Afghanistan hoặc do biến đổi khí hậu.
***************
Chiến tranh hạt nhân xảy ra hay không thì tùy ngón tay con người ấn nút. Nhưng hiểm họa thiên thạch tấn công Trái đất dù nguy cơ rất nhỏ và có thể còn rất lâu nữa thì hoàn toàn do "ông trời" quyết định, không phải do con người. Vậy nhân loại có vũ khí gì cho ngày X đó?
Kỳ cuối: Khả năng phòng vệ của nhân loại trước "bom" thiên thạch
Ngày 19-6-2006, trên đảo Spitsbergen xa xôi thuộc quần đảo Svalbard giữa miền bắc Na Uy với Bắc Cực, thủ tướng các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland đã cùng đặt viên đá đầu tiên xây dựng kho hạt giống toàn cầu.