Sáng nay (19/3), tiếp tục phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị các bị cáo đứng dậy nghe Viện KSND TPHCM đọc bản luận tội.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (bị truy tố 3 tội danh gồm Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Đưa hối lộ) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị “loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội” (CAO đã đưa tin), thì nhiều bị cáo khác bị đề nghị mức án "cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”
Theo đó, các bị cáo nguyên là lãnh đạo tại Ngân hàng SCB như Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung được xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, tự nguyện sử dụng tài sản khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên cần hình phạt tương xứng.
Viện Kiểm sát cho rằng cần có mức hình phạt nghiêm trị, “cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội” đối với các bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tạ Chiêu Trung (cựu thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB). Riêng bị cáo Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) đã bỏ trốn trước khi vụ án được khởi tố và bị đưa ra xét xử vắng mặt.
Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định bị cáo Thành đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Viện Kiểm sát đề nghị mức hình phạt “cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội” đối với bị cáo Đinh Văn Thành.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước là trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nhận tiền từ bị cáo Trương Mỹ Lan để chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. Hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nhàn đã thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hành vi của Đỗ Thị Nhàn gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cơ quan Nhà nước nên Viện Kiểm sát đề nghị cần “cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội”.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan) được cơ quan công tố xác định đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng. Tại tòa bị cáo ăn năn hối cải thừa nhận hành vi phạm tội và tích cực nộp tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại. Song, hành vi của bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Viện Kiểm sát cho rằng cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo.
Bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB với số tiền thiệt hại lên đến 9.100 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Chu Lập Cơ đã khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án.
Bị cáo Chu Lập Cơ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng nhiều bằng khen do có nhiều đóng góp hoạt động thiện nguyện, bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục 1 tỷ đồng...