Chiều 19-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thao túng trái phiếu xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục với phần xét hỏi.
Phát hành trái phiếu vì nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng nhiều
Sau khi xét hỏi 14 bị cáo, chủ tọa yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa bị cáo Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) từ phòng cách ly trong suốt buổi sáng trở lại phòng xét xử.
Trước thẩm vấn, chủ tọa Nguyễn Xuân Văn thông báo cho bị cáo Dũng rằng các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt đều khai việc phát hành trái phiếu là do ông Dũng ra chủ trương.
Trả lời thẩm vấn, ông Dũng thừa nhận ra chủ trương phát hành các lô trái phiếu và giao cho con trai Đỗ Hoàng Việt thực hiện.
Nói về lý do phát hành, ông Dũng cho biết do thời điểm năm 2021, nhu cầu vốn Tân Hoàng Minh ngày càng nhiều vì quy mô dự án ngày càng lớn, nên đã trao đổi với Việt cần tìm thêm nguồn vốn, không chỉ của ngân hàng mà còn cần thêm các kênh khác.
"Trước khi phát hành tôi cũng biết nhiều công ty khác đã phát hành hàng triệu tỉ đồng. Là người điều hành doanh nghiệp 30 năm, tôi nhận thấy đây là kênh hiệu quả", ông Dũng nói.
Chủ tọa truy vấn: "Ngoài lý do trên, mục đích phát hành trái phiếu có phải để giải quyết vấn đề Tân Hoàng Minh không thể vay tiền của ngân hàng?".
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh phủ nhận, và khẳng định "thực tế Tân Hoàng Minh vẫn còn một số tài sản có thể thế chấp vay ngân hàng".
Chủ tọa tiếp tục hỏi quá trình làm việc bị cáo Dũng có được Việt báo cáo toàn bộ hồ sơ phát hành, hợp đồng hợp tác đầu tư… phát hành trái phiếu là được "tạo dựng" không?
Ông Dũng đáp: "Tôi là chủ tịch, tổng giám đốc nên chỉ quyết định các chủ trương lớn. Ở dưới còn một hệ thống tài chính nên Việt cùng các nhân viên khác trao đổi.
Tôi chỉ nói về chủ trương lớn như vay từng này, huy động, lãi suất từng này… chi tiết thì tôi không nắm", ông Dũng trình bày.
"Thâm tâm không nghĩ sẽ chiếm đoạt của người mua trái phiếu"
Về hành vi "chạy" dòng tiền ảo để chuyển 9 lô trái phiếu của 3 công ty Cung Điện Mùa Đông, Soleil và Ngôi Sao Việt sang Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Dũng cho hay "nhìn dưới góc độ dòng tiền có thể thấy đó là ảo, nhưng thực tế cả tập đoàn và 3 công ty đều thuộc sở hữu của tôi. Tôi được biết có chạy dòng tiền".
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh thừa nhận trách nhiệm của người điều hành cao nhất tại tập đoàn, nói "tôn trọng các cáo buộc sai phạm của kết luận điều tra, cáo trạng truy tố".
"Ngay khi phát hành trái phiếu, thâm tâm tôi không nghĩ sẽ chiếm đoạt của người mua trái phiếu. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là hình thức huy động vốn kinh doanh đầu tư, chi phí hoạt động cho tập đoàn".
"Việc huy động có đúng không?", hội đồng xét xử hỏi. Ông Dũng phân trần rằng tại thời điểm đó, hiểu biết của ông về phát hành trái phiếu chưa đầy đủ, đến nay nhận thức được như vậy là sai.
Ông Dũng cũng thừa nhận bản thân là người quyết định sử dụng nguồn tiền sau khi bán trái phiếu, đa phần số tiền huy động từ phát hành trái phiếu không sử dụng đúng mục đích.
Cuối phần trình bày, bị cáo Dũng cho biết ngay khi bị khởi tố, bắt tạm giam và được cán bộ điều tra giải thích về sai phạm, ông đã viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả tối đa.
Chỉ trong hơn 1 năm, dù điều kiện rất khó khăn, thông qua hai lần gặp gia đình, bị cáo đã nộp để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.
"Số tiền này có đủ trả cho các bị hại?", chủ tọa hỏi. Ông Dũng khẳng định là đủ, thậm chí còn nộp thừa khoảng 1 tỉ đồng.
Tại tòa, phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai năm 2021 đại dịch COVID-19 xảy ra, tập đoàn gặp khó khăn nên để 3 công ty con phát hành trái phiếu huy động vốn của người dân để gỡ khó cho công ty.