Nguồn nguyên liệu cát san lấp khan hiếm, khiến cho các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn
Theo Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản năm 2023 do UBND tỉnh An Giang vừa ban hành, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 10 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 4 khu mỏ cát sông với tổng diện tích 155,98 ha và công suất khai thác 2.370.000 m3/năm (đã tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2023), 6 khu mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 178,5 ha và công suất khai thác 3.700.000 m3/năm.
Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền 248,92 tỷ đồng.
UBND tỉnh An Giang cũng đã thông tin về nguồn cát phục vụ các công trình đường bộ cao tốc. Trong đó, đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang, tỉnh đã bố trí và xác nhận khai thác khoáng sản cho nhà thầu thi công cao tốc (3 khu mỏ) với trữ lượng 4.111.789 m3.
Ngoài ra, tỉnh đã phân bổ 1.500.000 m3 từ Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao. Đồng thời, các nhà thầu của cao tốc đã tiếp nhận nguồn cát từ 2 khu mỏ trên sông Hậu thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc; xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú; xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân và từ khu nạo vét chỉnh trị xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu với tổng khối lượng là 319.736 m3.
Như vậy, tổng khối lượng các nhà thầu thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận, được phân phổ và đăng ký khai thác từ các khu mỏ được giao theo cơ chế đặc thù là 5.931.525 m3 (còn thiếu 3.389.475 m3 trên tổng nhu cầu là 9.321.000 m3).
Đối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc - Nam), tỉnh đã bố trí và xác nhận khai thác khoáng sản cho nhà thầu thi công cao tốc (5 khu mỏ) với trữ lượng 5.195.735 m3. Ngoài ra, tỉnh đã phân bổ 1.456.000 m3 từ Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao. Đồng thời, các nhà thầu của cao tốc đã tiếp nhận cát từ 2 khu mỏ của trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân và xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới với khối 110.000 m3.
Tổng khối lượng các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được phân phổ và đăng ký khai thác từ các khu mỏ được giao theo cơ chế đặc thù là 6.761.735 m3 (còn thiếu 194.265 m3 trên tổng khối lượng 7.000.000 m3).
Riêng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ và Hậu Giang, tỉnh đã hỗ trợ bố trí và xác nhận khai thác khoáng sản cho nhà thầu thi công cao tốc (2 khu mỏ) với trữ lượng 5.911.069 m3.
Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng và mở rộng len lỏi vào các kênh rạch và do khoáng sản cát sông ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu về nguồn cát san lấp rất lớn.
Vì vậy, tỉnh đề xuất xem xét nguồn vật liệu san lấp để thay thế; cũng như sớm đưa nguồn tài nguyên cát biển vào khai thác phục vụ cho công trình, đặc biệt là các công trình đường cao tốc thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.