Liên tục đón dự án mới
Trong hơn 2 tháng qua có 6 dự án được cấp phép đầu tư mới vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI), với tổng số vốn đăng ký 463 triệu USD và trên 3.985 tỷ đồng.
Cụ thể, 3 dự án đầu tư vào KCN Yên Bình, gồm: Dự án sản xuất gọng kính, phụ kiện, bao bì Sanshan (3 triệu USD); Dự án sản xuất ống ngắm hồng ngoại (4 triệu USD), Dự án Công ty TNHH Trina Solar Cell (454,4 triệu USD).
2 dự án vào KCN Sông Công II, gồm: Dự án của Công ty TNHH Wooin Tech VN (0,44 triệu USD); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II, giai đoạn 2 (3.985 nghìn tỷ đồng). 1 dự án đầu tư vào KCN Điềm Thụy của Công ty TNHH Ju Wan Vina (1,3 triệu USD).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 225 ngày 7/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.
Nhà đầu tư dự án là CTCP Viglacera Thái Nguyên. Dự án được thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (gồm Khu số 1 và Khu số 2).
Trong đó, Khu số 1 quy mô 175,52ha nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công. Khu số 2 quy mô 120,72ha nằm trên địa giới hành chính của xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang, thành phố Sông Công.
Tính đến thời điểm này, các KCN trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 307 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó 172 dự án FDI và 135 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký trên 11,3 tỷ USD và 21.233 tỷ đồng.
Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên năm 2024 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp (CN).
Năm 2024, Thái Nguyên ưu tiên mời gọi đầu tư vào 199 dự án. Trong đó, 43 dự án thuộc lĩnh vực CN, chủ yếu là đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN. Điều này cho thấy, dư địa đầu tư hạ tầng CN của tỉnh còn rất lớn.
Trong số 43 dự án thuộc lĩnh vực CN thì có 7 dự án đầu tư hạ tầng khu CN, công nghệ thông tin tập trung. Đáng chú ý là một số dự án đầu tư hạ tầng quy mô rất lớn như: Dự án đầu tư hạ tầng Khu CN - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, trên địa bàn các xã Minh Đức, Phúc Thuận và phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) có diện tích 868ha; Dự án hạ tầng Khu CN Yên Bình 2 nằm trên địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình với diện tích 301ha; Dự án hạ tầng Khu CN Yên Bình 3, diện tích 300ha tại huyện Phú Bình.
Trina Solar đã triển khai 2 dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: Dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời và Dự án sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể. |
Các dự án này đều ưu tiên thu hút đầu tư sản phẩm điện tử và CN phụ trợ. Ngoài ra, còn có Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 200ha tại TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình, thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin kết hợp sản xuất IT công nghệ cao, dịch vụ logistics, vui chơi giải trí, mô hình đô thị sinh thái...
36 dự án còn lại chủ yếu mời gọi đầu tư vào các cụm CN, trong đó có 19 dự án đầu tư hạ tầng và 17 dự án thứ cấp mời gọi đầu tư vào các cụm CN đã có chủ đầu tư hạ tầng. Trong số các dự án đầu tư hạ tầng có tới 9 dự án cụm CN có quy mô từ 70ha trở lên, số còn lại thấp nhất cũng từ 20ha trở lên.
Đáng chú ý là các dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm CN Lương Sơn 2 (TP. Sông Công) diện tích 75ha; Dự án hạ tầng Cụm CN Tích Lương (TP. Thái Nguyên), diện tích 72ha; Dự án hạ tầng Cụm CN Hà Châu 1 và Hà Châu 2 (Phú Bình) với diện tích mỗi cụm CN trên 70ha.
Chìa khoá ở khâu đổi mới xúc tiến đầu tư
Mong muốn của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư có uy tín và đủ năng lực tài chính; ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm CN; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về CN chế tạo, điện tử, bán dẫn, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN mới thành lập.
Tỉnh đã xây dựng và đang triển khai thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ, đột phá như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn thuộc Liên minh Châu Âu, các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Trung Quốc, Thái Lan...
Cùng với đó là quan tâm cập nhật và lan tỏa hình ảnh tiềm năng, thế mạnh đầu tư của tỉnh; số hóa việc giới thiệu về các định hướng, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư, lao động, hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhà đầu tư.
Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư; thúc đẩy hỗ trợ thủ tục hành chính, đào tạo lao động, hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư. Định kỳ xây dựng và công bố rộng rãi danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm CN, giao thông để thúc đẩy hoạt động đầu tư...
Điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI khi vào Thái Nguyên vẫn là các khu công nghiệp (KCN). Thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong năm Ban đã đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Xúc tiến đầu tư luôn được xem là chìa khóa hút dòng vốn đổ về địa phương. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, phương án tối ưu đó chính là hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những cam kết đầu tư của địa phương đối với nhà đầu tư.