Cú sốc năng lượng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến mức sống của người dân Đức giảm sâu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, theo một báo cáo đồng thực hiện bởi hai cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Đức.
Báo cáo được thực hiện bởi Isabella Weber – phó giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts và nguyên ủy viên ban xây dựng cơ chế phanh giá năng lượng cho doanh nghiệp và hộ gia đình vào năm 2022 do Chính phủ Đức chỉ định, cùng Giáo sư Tom Krebs – cựu cố vấn cấp cao của Bộ tài chính dưới thời ông Olaf Scholz – bây giờ là Thủ tướng Đức.
Trong báo cáo về mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế Đức, hai chuyên gia chỉ ra rằng sản lượng kinh tế của cường quốc châu Âu cũng đã giảm tương đương so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, tiền lương thực tế ở nước này đã giảm sâu hơn vào năm 2022 so với bất kỳ năm nào khác kể từ năm 1950.
Theo hai tác giả, tiền lương thực tế so với dự báo trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế đã giảm 4% từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, trong khi sản lượng kinh tế giảm 4,1%. Nếu tính cả thiệt hại về sản lượng do Covid gây ra, sản lượng kinh tế thực tế vào cuối năm 2023 thấp hơn khoảng 7% so với trước khủng hoảng. Tiền lương thực tế thấp hơn 10% so với trước khủng hoảng vào năm 2023.
Các tác giả cảnh báo rằng thất bại trong việc bảo vệ ngành công nghiệp Đức khỏi sự leo thang của giá năng lượng có thể biến những năm 2020 thành “một thập kỷ mất mát đối với nước Đức”.
Isabella Weber nhận xét: “Trong thời đại xung đột, khủng hoảng khí hậu và địa chính trị, sự suy giảm mức sống mà người Đức phải trải qua là chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai.
Báo cáo nhấn mạnh những chật vật mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn đang phải chống chọi sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng của Đức vào năm 2024 và 2025 sẽ thấp hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào, ngoại trừ Argentina.
Kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý 4/2023 và dự kiến sẽ giảm trong quý 1/2024, dẫn đến một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Hai nhà kinh tế lập đánh giá việc kìm giá năng lượng bởi chính quyền Thủ tướng Scholz vào cuối năm 2022 là một phản ứng chính sách đúng đắn, nhưng vẫn còn chậm trễ trong hành động, khi mà vào thời điểm giá khí đốt trên thị trường tăng vọt đã khiến giá năng lượng leo thang.
Theo The Guardian