Dự thảo mới có nhiều thay đổi so với trước sau khi tổng hợp và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.
Trong đó, quy định về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mặc dù giữ nguyên đề xuất trước đó, là rút ngắn bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, nhưng có sự thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Nhiều ý kiến ủng hộ 5 bậc thang
Việc lựa chọn phương án này theo Bộ Công Thương, là do có tới 92,2% ý kiến góp ý đồng tình với việc rút ngắn còn 5 bậc thang, trong khi chỉ có 7,8% ý kiến đồng ý phương án rút ngắn biểu giá điện còn 4 bậc thang.
Như vậy, với 5 bậc thang mới được thiết kế sẽ bao gồm: bậc 1 là 100kWh đầu tiên; bậc 2 là từ 101 - 200kWh; bậc 3 là từ 201 - 400kWh; bậc 4 là từ 401 - 700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên.
Với thiết kế 5 bậc thang có mức giá tăng dần là nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng như đảm bảo tối đa tác động tới hộ sử dụng điện.
Trong đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (hiện đang chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700kWh và trên 700kWh.
Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 - 200kWh và 201 - 300kWh. Với giá điện cho các bậc từ 401 - 700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Giá điện cho các bậc từ 401 - 700kWh và từ 701kWh trở lên sẽ được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Trong đó, từ 401 - 700kWh, cơ cấu giá điện sẽ được tính bằng 162% và từ 701kWh sẽ có cơ cấu giá là 180% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.
Đây là mức cao hơn rất nhiều so với cơ cấu cũ là từ 154-159%.
Theo một số chuyên gia, việc thay đổi cơ cấu giá với cơ cấu tỉ trọng như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện.
Có nghĩa các hộ càng sử dụng điện nhiều trong biểu giá điện thì mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401kWh trở lên.
Ngoài ra, dự thảo mới đưa ra cũng có một số thay đổi với một số nhóm khách hàng sử dụng điện. Cụ thể, với nhóm cơ sở lưu trú du lịch sẽ được áp dụng như mức giá điện của nhóm khách hàng sản xuất, tức là được hưởng mức giá thấp hơn.
Dự kiến, doanh thu thiếu hụt của ngành điện do điều chỉnh cách tính tiền điện của nhóm này sẽ được phân bổ cho tất cả các nhóm khách hàng sử dụng điện.
Thay đổi trong cách tính giá điện hộ sản xuất, dịch vụ
Dự thảo cũng gộp và bổ sung cấp điện áp cho nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh. Ví dụ với khách hàng đang mua điện ở cấp điện áp 220kV và 500kV phục vụ mục đích sản xuất, không sử dụng lưới điện phân phối sẽ được bổ sung vào nhóm khách hàng sử dụng điện từ cấp điện áp 220kV.
Việc tính giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Vì vậy, giá điện giờ bình thường sẽ bằng 78% giá bán lẻ điện bình quân; giờ thấp điểm sẽ bằng 52% giá bán lẻ điện bình quân và giờ cao điểm sẽ bằng 139% giá bán lẻ điện bình quân.
Ngoài ra, dự thảo mới cũng bổ sung nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện.
Phương án được đề xuất là cơ cấu biểu giá điện cho đối tượng này sẽ được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống, áp dụng cho các giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường.
Các chính sách hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì, với mức hỗ trợ tiền điện tương đương mức sử dụng là 30kWh. Kinh phí hỗ trợ được trích lập từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.
PGS Trần Văn Bình - ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với năm bậc thang cũng như cơ cấu biểu giá cho hộ ngoài sinh hoạt dựa trên giờ cao điểm, thấp điểm và theo cấp điện áp là phù hợp.