Bên kêu lỗ, có nơi vẫn miễn phí
Gần đây, vụ thu phí tin nhắn biến động số dư (SMS Banking) tiếp tục nóng lên khi loạt ngân hàng thông báo điều chỉnh tăng giá.
Vào cuối tháng 2-2022, một cuộc họp diễn ra giữa tổ chức tín dụng và nhà mạng nhằm thống nhất phương án tính trọn gói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết vẫn nhận được phản hồi từ ngân hàng việc phải bù lỗ khi thanh toán SMS Banking.
Theo ông Hùng, ngân hàng buộc phải tăng thu khi nhà mạng tăng phí này. "Một số ngân hàng không có dư địa giảm phí nên bắt buộc phải tăng", ông Hùng nói.
Hiện ngân hàng đều khuyến khích chuyển sang nhận thông báo số dư trên ứng dụng. Theo lãnh đạo VNBA, giải pháp này vừa giảm được chi phí cho người dân, vừa an toàn, hạn chế tình trạng giả mạo lừa đảo.
Trong khi một chuyên gia về viễn thông lại nhìn nhận cần làm rõ có phải các ngân hàng đang "đá" trách nhiệm sang nhà mạng không. Bởi họ mua dịch vụ với giá ưu đãi nên có thể thấy mức thu 500-880 đồng/SMS là cao.
"Thực tế có ngân hàng tăng ít, có ngân hàng tăng rất nhiều, có nơi không tăng và thậm chí một số ngân hàng nước ngoài còn không thu loại phí này", vị này nói.
Chuyên gia cho rằng nhà mạng và ngân hàng nên tiếp tục ngồi lại với nhau, hướng tới việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Hiện biểu phí cho SMS Banking khá chênh lệch, có nơi còn có miễn phí dịch vụ này như HSBC hay Hong Leong Bank.
Năm ngoái, một số ngân hàng cũng từng tính đến tăng phí SMS Banking, sau đó tạm hoãn lại để đàm phán với nhà mạng.
Ngân hàng | Phí SMS Banking/tháng/thuê bao |
---|---|
HSBC, Hong Leong Bank | Miễn phí |
PVComBank | 5.500 đồng |
Kienlongbank | 11.000 đồng |
SeaBank | Với khách hàng ưu tiên, 16.500 đồng/tháng; khách hàng thường 33.000 đồng/tháng |
EximBank | Nhỏ hơn 50 tin/tháng, thu 15.000 đồng/tháng. Trên 50 tin nhắn, thue thêm 55.000 đồng/tài khoản/thuê bao |
VIB | 33.000 đồng/số điện thoại/tháng |
Lienvietpostbank | Khách hàng phát sinh từ 30 tin/tháng, sẽ có mức phí 30.000 VNĐ/tháng/số điện thoại. |
Sacombank | 500 đồng/SMS (từ 1-9-2023) |
Vietinbank | 14 SMS hoặc nhỏ hơn, 11.000 đồng/tháng; từ 15 SSM trở đi, 880 đồng/SMS (từ 1-9-2023) |
VPBank | 70.000 đồng khi phát sinh 101 SMS trở lên (từ 1-9-2023) |
Nhiều người dùng vẫn phản ứng
Sau thông tin tăng giá SMS Banking, nhiều độc giả Tuổi Trẻ Online đã bày tỏ ý kiến. Một độc giả đặt vấn đề các ngân hàng trong nước thu nhiều khoản từ rút tiền ATM, phí SMS... vẫn than bù lỗ, trong khi các ngân hàng nước ngoài không thu vẫn sống khỏe, lời to là vì sao?
Khi chỉ nhận biến động số dư hàng tháng mà "ngốn" đến vài chục nghìn đồng, một số khách hàng cho biết họ sẽ hủy dịch vụ nhận qua SMS.
Việc thu SMS Banking theo hình thức lũy tiến tại một số ngân hàng thực chất mang tính điều hướng khách hàng sang dùng tính năng trên ứng dụng. Tuy nhiên, với những người dùng không sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt những người lớn tuổi, việc chuyển đổi này cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Xuyến (61 tuổi, Hà Nội) cho biết mấy năm nay bà vẫn nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua tin nhắn vì không biết sử dụng điện thoại thông minh.
"Tôi bán hàng, ngày cũng nhận đến chục tin nhắn biến động số dư, nếu thu mấy trăm đồng một tin nhắn như vậy rất tốn kém", bà Xuyến nói.
Một bạn đọc ở Q1, TP.HCM thì cho rằng việc tăng phí có thể là việc cần thiết vì các ngân hàng phải trả phí cho nhà mạng. Tuy nhiên, kinh doanh cần cân đối nhiều khoản chứ không phải cứ chi phí nào tăng là đổ ngay cho người tiêu dùng. Nhiều ngân hàng lãi lớn hoàn toàn nên cân nhắc chia sẻ với người tiêu dùng chi phí SMS Banking. Người tiêu dùng cũng có thể bày tỏ thái độ bằng việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng nào. Đáng tiếc là hiện hầu hết ngân hàng miễn phí phí tin nhắn báo biến động số dư là ngân hàng ngoại nên chưa có nhiều lựa chọn.
Ngân hàng có đua tăng phí SMS banking?TTO - Dù thừa nhận đang phải bù lỗ với dịch vụ SMS banking nhưng nhiều ngân hàng cổ phần cho biết chưa có kế hoạch tăng phí dịch vụ này, vì lo nhiều khách hàng có thể sẽ đóng tài khoản để chuyển sang các ngân hàng khác có mức phí mềm hơn.