Để cứu vườn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, người dân phải mua nước với chi phí đắt đỏ. Bên cạnh đó, nhằm đối phó vấn nạn trên, nhiều hộ gia đình đã chủ động xây bồn chứa, đầu tư máy lọc nước mặn thành ngọt.
ĐAU ĐẦU VÌ NƯỚC NHIỄM MẶN
Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km. Tình trạng xâm nhập mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Để xem nguồn nước sử dụng được hay không, bà Đặng Thị Hồng Lạc (ngụ xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) xả nước máy vào hồ chứa, rồi đo độ mặn. Chỉ số hiển thị trên máy là 2,2‰, vượt ngưỡng cho phép dưới 0,5‰. Bà Lạc nói: “Nước này không nấu ăn được nhưng vẫn có thể tắm gội, giặt đồ, khi nào mặn 3-4‰ tôi sẽ bơm nước trữ sẵn dưới mương lên dùng vì lo mặn làm hỏng máy giặt, máy nước nóng”.
Do nguồn nước máy nhiễm mặn gia đình anh Nguyễn Thanh Mộng chỉ còn trông cậy việc nấu nướng vào 3 khối nước ngọt trữ trong bể chứa bên hiên nhà. Vợ chồng anh Mộng có 3 con và thuộc hộ cận nghèo, chỉ có một hồ xi măng 1,5m3. Năm ngoái nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ, họ có thêm 2 bồn chứa bằng nhựa trữ được 1,5m3. “Số nước ngọt trữ có thể cầm cự được khoảng 3 tháng, nếu mặn kéo dài hơn chắc phải đi xin nước từ các điểm cấp của xã”, anh Mộng nói.
Bà Nguyễn Thị Dưỡng (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) cho biết, mỗi đợt triều cường lên, nguồn nước máy cung cấp cho một số hộ dân trong khu vực cũng bị nhiễm mặn. Hai năm nay, tình hình có đỡ hơn mấy năm trước nhưng chất lượng nước vẫn chưa đạt chuẩn.
Trong khi đó, với những hộ dân nằm ở khu vực không có đường ống nước máy đi ngang, thì đành chấp nhận sử dụng nước sông bị nhiễm mặn phục vụ cho nhu cầu tắm giặt. Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang (ngụ xã Thạnh Trị) chia sẻ: “Ở đây, người dân không có nước cây nên sử dụng nước sông. Dù nước bị nhiễm mặn nhưng người dân cũng chấp nhận sử dụng để tắm giặt, với nước nấu ăn thì mua với giá 7.000 đồng/bình”.
Hiện độ mặn đo được tại công viên Lạc Hồng (TP.Mỹ Tho) đang ở mức 2,63‰. Với độ mặn cao như vậy các nhà máy nước sẽ không thể sử dụng làm nguồn nước thô để xử lý, cung cấp cho người dân sử dụng. Theo ông Lê Văn Khiết (Giám đốc Công ty MTV Cấp nước Tiền Giang), hiện nhà máy xử lý nước tại TP.Mỹ Tho đã tạm thời phải ngưng hoạt động vì nguồn nước thô từ ngoài sông Tiền đã bị nhiễm mặn cao.
Phương án thay thế là công ty sử dụng nguồn nước sạch từ các nhà máy phía thượng nguồn sông Tiền như: Nhà máy nước Bình Đức, nhà máy nước Đồng Tâm để cung cấp nước cho hơn 51.500 hộ dân tại TP.Mỹ Tho. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre thông tin để cung cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn cho gần 50.000 hộ dân trên địa bàn trong đợt mặn gay gắt này, công ty đã lấy nguồn nước thô từ phía thượng nguồn sông Tiền để xử lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa (Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) Bến Tre, đơn vị này hiện quản lý 32 nhà máy nước, phục vụ khoảng 98.000 hộ dân. Sau Tết, độ mặn tại các nhà máy nước ở huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam có xu hướng tăng, nhất là thời điểm triều cường cao. Hiện ngoài 15.000 hộ dùng nước đạt tiêu chuẩn, còn khoảng 13.000 hộ sử dụng nước có độ mặn trên một phần nghìn. Trung tâm này đã trang bị 29 hệ thống máy lọc nước mặn tại các nhà máy, chuyển nước từ các nhà máy có độ mặn thấp đến nơi cao hơn để khắc phục tình trạng nhiễm mặn. Ngoài ra đơn vị này dự kiến sẽ dùng sà lan chở nước thô từ hệ thống sông lớn.
MUA NƯỚC NGỌT GIÁ CAO
Ghi nhận tại các xã ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, do các giếng khoan bị nhiễm mặn nên nhiều hộ dân phải mua nước ngọt qua xử lý để sử dụng. Sống cách bờ biển hơn 20km, bà Nguyễn Thị Sáu (ngụ xã Tân Phong) cho biết: “Nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn nên gia đình mua nước ngọt qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3để nấu ăn, tắm rửa”.
Vào những ngày này, không khó để bắt gặp những chiếc ghe cỡ lớn chở nước ngọt chạy dọc theo các tuyến kênh ở xã Biển Bạch, Tân Bằng của huyện Thới Bình cung cấp nước sạch cho người dân có nhu cầu. Một người dân cho biết: “Việc gì có thể tiết kiệm được, riêng việc cần nước sạch để dùng trong sinh hoạt thì không thể tiết kiệm. Nước sạch ở đây giờ quý lắm, khi tắm xong thì bà con còn phải tận dụng lại nguồn nước đó để giặt giũ hay dùng vào việc khác”.
Theo ghi nhận, hiện tại giá nước sạch được các ghe cung cấp tận nhà cho người dân có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/m3. Chị Nguyễn Thị Cẩm (chủ ghe) cho biết: “Mỗi ngày, vợ chồng tôi mua nước sạch từ nơi khác cho xuống ghe rồi chạy đến các vùng nông thôn để cung cấp cho bà con, sau khi trừ hết chi phí còn lãi được trên dưới 200.000 đồng. Có ngày vợ chồng chị phải thực hiện công việc này đến 4 lần”.
Nhằm chủ động trong việc tìm nguồn nước sạch để sử dụng, nhiều hộ dân ở địa phương bỏ ra vài chục triệu đồng thuê khoan giếng, tuy nhiên các giếng khoan dù được khoan ở độ sâu bao nhiêu cũng không thể tìm được nguồn nước ngọt. Do đó, nhiều năm nay, họ đành chấp nhận với cảnh sống “khát” nước sạch vào mùa khô.
Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Trần Văn Tuấn cho biết, địa phương có 1.847 hộ dân, nhưng tính đến thời điểm này có tới hơn 450 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Còn theo ông Lê Công Nguyên (Giám đốc Trung tâm NS&VSMT Cà Mau) cho biết, theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay có hơn 3.000 hộ dân trên toàn tỉnh đang thiếu nước sạch.
NHIỀU CÁNH RỪNG BÁO ĐỘNG ĐỎ
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng lên đáng kể làm cho cây rừng khô héo, mực nước trên các tuyến kênh sông khô cạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng tại các tỉnh ĐBSCL là rất cao. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có khoảng 82.652ha rừng, trong đó, có khoảng 41.078ha diện tích rừng ở một số khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy như: Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và Kiên Hải.
Địa phương bố trí 81 trạm, chốt, lán trại với 470 lực lượng, 71 máy bơm phao, 3.500 cuộn vòi, 68 máy và 143 cuộn dây bơm áp lực. Ngoài ra, đơn vị còn trang bị 89 máy đeo vai, 45 máy thổi gió và 88 phương tiện vận chuyển, gia cố 48 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước, phát dọn thực bì trên các tuyến kênh dài 76km, phát quang 58km đường tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng năm nay.
Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, hiện mực nước dưới các kênh, mương tại lâm phần rừng U Minh Hạ giao động từ 1,2-2,5m, nơi thấp nhất chỉ còn khoảng 0,6m. Hiện có hơn 21.000/45.000ha rừng đã ở mức báo cháy từ cấp 3 trở lên. Trong đó, báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) hơn 1.900ha và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là 290ha. Trước tình hình nắng hạn gay gắt, dự báo mực nước sẽ cạn nhanh, diện tích rừng ở mức báo cháy cấp 4 và cấp 5 sẽ tăng nhanh. Năm nay hạn hán đến sớm và gay gắt hơn năm ngoái nên Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã có gần 3.700/8.500 ha rừng báo cháy cấp 3 (cấp cao) trở lên. Đơn vị hiện đã thực hiện trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 ở 16/19 đội, chốt.
Trước khi mùa mưa kết thúc, cơ quan chức năng Cà Mau đã đắp 85 cống, đập để trữ nước phục vụ PCCCR tại lâm phần rừng U Minh Hạ. Ngành chức năng địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng sớm triển khai các giải pháp PCCCR mùa khô 2024 theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Ông Lê Thanh Dũng (Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ) cho biết, đơn vị đã được trạng bị hệ thống camera giám sát cháy, tuy nhiên vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm quy định trực canh lửa trên các chòi quan sát. Tình trạng người dân vào rừng trái phép vẫn là một nỗi lo thường trực nên công tác tuần tra cũng được tăng cường.
Vườn quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích 31.422ha, nằm trải dài qua rất nhiều xã, phường của TP.Phú Quốc. Đây là nơi hội tụ cả rừng, biển, suối, thác và núi đồi với hệ thống động thực vật phong phú. Năm 2006, Vườn quốc gia Phú Quốc được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Thế nhưng mới đây lại xảy ra vụ cháy lớn.
Theo đó vào ngày 25/02, tại khu vực rìa rừng Vườn quốc gia Phú Quốc (thuộc địa bàn ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, TP.Phú Quốc) xuất hiện đám cháy lớn, có nguy cơ cháy lan vào khu vực rừng đặc dụng. Nhận được tin báo cháy rừng, Đồn Biên phòng Xà Lực (Bộ Đội Biên phòng Kiên Giang) lập tức huy động cán bộ, chiến sĩ cùng trang thiết bị chữa cháy đến hiện trường phối hợp Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc và lực lượng tại chỗ phát đường băng ngăn đám cháy lan rộng.
Do thời điểm cháy lúc giữa trưa, trời nắng gắt, gió mạnh, trong khi khu vực cháy là rừng tràm có thảm thực vật dày nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được khống chế, giải nguy cho khu vực Vườn quốc gia Phú Quốc. Ước tính đám cháy gây thiệt hại khoảng 1ha rừng tràm.
Ông Lê Công Nguyên (Giám đốc Trung tâm NS&VSMT Cà Mau) cho biết: Ngành nông nghiệp đã đề xuất với UBND tỉnh Cà Mau cho phép thiết lập các điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng, cấp bồn chứa và mở rộng các đường ống từ các công trình cấp nước tập trung hiện có để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho người dân. Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài ngành chức năng đang chuẩn bị đầu tư một số dự án cấp nước, đồng thời đề xuất đầu tư thêm một số dự án khác để phục vụ nguồn nước sạch cho người dân. Theo ông Nguyên, đơn vị kiến nghị ngành chức năng tỉnh về việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung cơ bản, nhằm phục vụ lâu dài và bền vững cho người dân, với nguồn vốn khoảng 250 tỷ đồng. Từ đó sẽ xây dựng được hơn 10 trạm cấp nước sạch trên địa bàn. Nếu công trình đầu tư xây dựng này hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch được cho 12.000 hộ dân, trong đó giải quyết được cơ bản cho 3.000 hộ dân đang thiếu nước cấp bách hiện tại. |
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.602061_ohk-gnur-tahk-iougn-3-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc