Tối 20-3, ông Nguyễn Minh Nam - phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ - cho hay vừa nhận được thông báo của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam về việc xét duyệt Cây di sản Việt Nam đối với quần thể cây giáng hương ấn (hay còn gọi là sưa vàng) ở địa phương này.
Trước đó hội đã nhận được đơn đăng ký của thành phố về việc đề nghị công nhận quần thể 12 cây giáng hương ấn là Cây di sản Việt Nam.
Cuối tháng 2-2024, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ.
Qua đó kết luận 9 cây giáng hương ấn đã đạt đầy đủ các tiêu chí là Cây di sản Việt Nam, còn 3 cây không đạt tiêu chí về độ lớn.
Hội thông báo, gửi lời chúc mừng tới địa phương này về việc quần thể cây giáng hương ấn trên đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Theo hồ sơ đề nghị xét duyệt Cây di sản Việt Nam của UBND TP Tam Kỳ, cây giáng hương ấn, thường gọi là sưa vàng Quảng Nam, tên khoa học Pterocarpus indicus Willd, bộ đậu, địa chỉ nơi có cây là làng sinh thái Hương Trà, phường Hòa Hương.
Làng Hương Trà nằm ven sông Tam Kỳ, từ buổi đầu lập làng, cây sưa được trồng trước ngõ.
Cây hoa sưa nơi đây còn có tên gọi khác là cửu lý hương bởi hương hoa từ ngôi làng này có thể bay xa đến chín dặm.
Đặt tên làng Hương Trà cũng là vì lý do đó và để con cháu đời sau luôn gắn kết với làng, tri ân loài cây tỏa hương mà những bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng.
Từ thời xa xưa, cây sưa theo nguồn nước lũ dạt về, người dân lấy trồng ven sông. Với đặc tính dễ sinh trưởng, chỉ cần từ một khúc cây cắm xuống đất là cây tự nứt rễ bám đất bền chặt, cư dân đã đắp đường đê, trồng loài cây này dọc triền sông để giữ bờ đất, chống xói lở.
Từ đó hàng năm dân làng lại đắp đê lớn dần, dài thêm ra và nối Hương Trà với những làng bên. Cứ độ từ tháng 9 trở đi, người dân trong làng lại chặt các nhánh cây sưa phòng gió bão và trồng các nhánh cây ấy trên đường làng, quanh nhà.
Qua thời gian, cây sưa lớn dần lên, cành lá sum suê giữ chắc cho đường đê và ngôi làng bình yên trước phong ba bão lũ.
Khu vực làng Hương Trà đang sở hữu đường cây di sản đẹp nhất Quảng Nam và không nơi nào trên Việt Nam có được hàng cây giáng hương ấn có tuổi đời lâu như vậy.
Thông qua các đợt khảo sát, các chuyên gia đã đánh giá sự phân bố của quần thể cây trồng giáng hương ấn ở làng với hơn 50 cây có tuổi đời gần và hơn 100 năm tuổi, trong đó có 12 cây cổ thụ hơn 200 năm. Cây lớn tuổi nhất có chu vi tại gốc là 2,7m, độ cao 9,2m.
Hoa giáng hương ấn màu vàng tươi với cuống dài, nhiều lông, có hương thơm, tồn tại khoảng 3-4 ngày trước khi rụng.
Cây có dáng và hoa đẹp, được ưa chuộng trồng làm cảnh bóng mát, thân cây dùng làm đồ gia dụng, mỹ nghệ đẹp.
Tháng 4 tới đây, Tam Kỳ cũng tổ chức lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa 2024 với nhiều hoạt động thú vị.
Ngày 5-4 sẽ diễn ra lễ công bố quyết định, đón nhận bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 9 cây sưa trên.
Trong số 162 cây cổ thụ trong rừng Mã Đà vừa được công nhận Cây di sản Việt Nam có "cụ" cây kơ nia khoảng 1.230 tuổi.