Không có nhà thầu Nhật Bản tham gia đấu thầu
Sau khi được tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành đã tiến hành đấu thầu để chọn nhà thầu mới thi công tiếp các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng. Đối với các đoạn phía tây và phía đông sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà thầu đang bứt tốc về đích, dự kiến thông xe kỹ thuật trước tháng 10-2024.
Còn với đoạn giữa dài 10,7km sử dụng vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, hiện gói thầu J2 đã hoàn thành. Gói thầu J1 nhà thầu đã triển khai đốt K1 nhịp cầu chính của cầu dây văng Bình Khánh. Hiện nhà thầu đang tiếp tục triển khai đốt K2 cũng như các hạng mục còn lại của cầu dẫn.
Gói thầu J3 là cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cầu có tổng chiều dài là 3,1km, tĩnh không 55m. Gói thầu này trước đây do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Cienco 4 (Việt Nam) thực hiện.
Do gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, gói thầu cầu Phước Khánh cũng như các gói thầu khác của cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ kéo dài. Đến năm 2022, chủ đầu tư đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu gói thầu này khi khối lượng tổng thể đạt 80,70%. Khối lượng chính còn lại gồm: phần dầm chủ, bản mặt cầu và hệ cáp văng (từ khối K1), bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính.
Để tìm nhà thầu Nhật Bản triển khai thi công tiếp, từ ngày 20-12-2023, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu J3-1. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế. Thời gian thực hiện hợp đồng 510 ngày. Thời điểm mở thầu lúc 14h ngày 20-3. Kết quả không có bất kỳ nhà thầu Nhật Bản nào quan tâm và tham gia đấu thầu.
Sẽ bổ sung nhà thầu Việt Nam với tư cách độc lập
Theo một chuyên gia giao thông, đối với gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh, hiện có nhiều nhà thầu trong nước đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm để thi công. Tuy nhiên, gói thầu này sử dụng vốn ODA của JICA nên phải tuân thủ theo các quy định về nhà thầu chính từ Nhật Bản theo các thỏa thuận đã ký giữa đại diện hai Chính phủ.
Vì vậy, dù có quan tâm gói thầu nhưng các nhà thầu trong nước lại không đảm bảo điều kiện hợp lệ về quốc tịch Nhật Bản để tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu chính/nhà thầu độc lập.
Được biết, sau khi đóng thầu và không có nhà thầu Nhật Bản nào tham gia đấu thầu, chủ đầu tư đã xin ý kiến nhà tài trợ về cho phép điều chỉnh bổ sung nhà thầu Việt Nam tham gia lựa chọn thầu với tư cách độc lập.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8km. Dự án đi qua các địa phương: Long An dài 2,7km, TP.HCM 26,4km và Đồng Nai 28,7km.
Tổng mức đầu tư cập nhật hiện nay là 29.586,9 tỉ đồng. Dự án sử dụng bốn nguồn vốn gồm: vốn vay Ngân hàng ADB 8.065,7 tỉ đồng, vốn vay JICA là 10.101,3 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước 3.872,4 tỉ đồng và vốn của chủ đầu tư tự thu xếp 7.547,6 tỉ đồng.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng vào tháng 7-2023, thời gian thực hiện cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 30-9-2025.
Gói thầu J1 thi công cầu Bình Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được thi công trở lại sau nhiều năm "đứng hình". Cùng với cầu Phước Khánh, đây là những hạng mục quan trọng, phức tạp nhất của dự án này.