Ngày 21-3, đại diện Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết sở chỉ cấp giấy phép sản xuất rượu truyền thống cho một doanh nghiệp sản xuất theo quy mô công nghiệp. Còn lại các cơ sở sản xuất rượu tại các địa phương do UBND các huyện, thành phố quản lý.
Một cán bộ khác của Sở Công Thương tỉnh cho rằng vụ ngộ độc rượu ở Kiên Giang trong năm 2022 tại huyện An Biên và tại TP Rạch Giá vào năm 2023 đa số xuất phát từ các cơ sở sản xuất rượu truyền thống tại địa phương. Các cơ sở này lại do các huyện, thành phố quản lý nhưng chưa được giám sát chặt chẽ, nên xảy ra vụ việc ngộ độc rượu như thời gian qua.
"Các cơ sở sản xuất rượu nhỏ, lẻ có thể không có giấy phép và chưa được tập huấn bài bản. Tôi nghĩ đã đến lúc các ngành chức năng siết chặt lại việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất rượu truyền thống tại các phương.
Tức phải hướng dẫn bà con biết cách sản xuất rượu làm sao đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quy định, tránh trường hợp làm sai sẽ gây ngộ độc. Nếu không làm vậy, khi có chuyện xảy ra mới vào cuộc như thời gian qua là quá muộn", cán bộ này nói thêm.
Còn ông Dương Vũ Nam - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - cho biết đến thời điểm này sở đã cấp giấy phép mua bán rượu cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc hệ thống của 14 thương nhân phân phối rượu.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều vụ ngộ độc rượu, sở đã chỉ đạo Thanh tra sở hậu kiểm kinh doanh rượu tại 3 doanh nghiệp trên. Kết quả kiểm tra cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật kinh doanh rượu theo quy định.
Cụ thể, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép bán rượu, giấy xác nhận tập huấn về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, điều kiện về thiết bị kinh doanh và trưng bày đảm bảo theo quy đinh. Về hoạt động các doanh nghiệp bán rượu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.
"Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về kinh doanh rượu có hiệu quả trong thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp các sở, ban ngành, UBND các huyện, TP Cà Mau và Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với mặt hàng rượu.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép, sản phẩm rượu không đảm chất lượng và an toàn theo quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định", ông Nam thông tin.
Đã có rất nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người. Thậm chí có ba người chết vì uống rượu trong đám tang của một người qua đời vì nghi ngộ độc rượu.