Chính sách tín dụng “xanh” dần hoàn thiện
Không đứng ngoài xu thế chung, Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi nền kinh tế theo hướng “xanh hóa”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), loại bỏ dần điện than vào năm 2040 và đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải metan so với năm 2020. Để thực hiện các cam kết này, Việt Nam phải tập trung mở rộng cơ sở hạ tầng xanh, đặc biệt là năng lượng xanh, giao thông xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh, chuyển đổi nhiều ngành công nghiệp nặng và “nâu” (dựa vào nguyên, nhiên liệu hóa thạch) sang lộ trình phát thải các-bon thấp, bền vững.
Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Trong đó, ngành ngân hàng đóng vai trò tiên phong và quan trọng trong các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các dự án tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc - nhà máy gạo quy mô lớn nhất châu Á là một trong những dự án do SHB tài trợ |
Thực tế, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về tín dụng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, tăng trưởng bền vững. Có thể kể tới các văn bản như Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 1/6/2023).
SHB luôn ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực xanh |
Giai đoạn 2018 - 2019, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các tổ chức tín dụng.
Khi các chính sách vĩ mô cũng như các chính sách của Ngân hàng Nhà nước được hoàn thiện, việc khơi thông nguồn vốn cho tăng trưởng xanh sẽ được đẩy mạnh.
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức trong nước, sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nhiều định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), IFC… sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn xanh cho Việt Nam qua hệ thống tín dụng.
WB và SHB ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu Xanh trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam |
Ngân hàng chung tay thực hiện sứ mệnh xanh
Là một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam, SHB hưởng ứng tích cực chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa dòng vốn đến các khu vực ưu tiên, các lĩnh vực, dự án xanh, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trong định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022 - 2027, SHB tập trung tài trợ vốn cho các dự án/phương án sản xuất - kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh theo đúng định hướng ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên…
Trong đó, dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp xanh… Riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của SHB đã chiếm tới 37% tổng dư nợ. Nhiều khách hàng thuộc các lĩnh vực này đang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao… Đây chính là tập khách hàng tiềm năng để SHB tiếp tục tăng trưởng dư nợ nông nghiệp xanh trong tương lai.
Với tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm đồng hành, triển khai các dự án xanh từ rất sớm, SHB nhận được sự tín nhiệm từ các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, IFC, ADB, KfW... Nhiều dự án xanh được SHB áp dụng các chính sách, chương trình ưu đãi từ nguồn vốn trực tiếp hoặc thông qua kết nối với các nguồn vốn quốc tế. Hiện SHB đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn trung, dài hạn ưu đãi cùng tư vấn về an toàn, kỹ thuật để triển khai có hiệu quả các dự án.
Điển hình như Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) có quy mô 86,3 triệu USD; trong đó, 11,3 triệu USD để thực hiện các hoạt động quản lý, vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại tham gia dự án, các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng; 75 triệu USD để thực hiện bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Quỹ RSF là mô hình rất mới trên thế giới và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp đầy hứa hẹn đối với tương lai của các dự án tiết kiệm năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng nói chung tại Việt Nam… Trong đó, SHB tham gia dự án với vai trò là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.
SHB có định hướng đồng hành cùng khách hàng rõ ràng, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc giúp họ hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí để họ được công nhận dự án xanh theo chuẩn quốc tế. Việc này giúp doanh nghiệp Việt Nam có được lợi thế đáng kể khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Từ kinh nghiệm của mình, SHB nhận thấy, việc triển khai các dự án tín dụng xanh không chỉ đem lại những lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, cho xã hội, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn nhờ mức lãi suất ưu đãi. Có thể kể đến một số dự án SHB đã đồng hành và tài trợ như dự án của các doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư; dự án của nhà máy mía đường; dự án đầu tư hệ thống đường dây truyền tải, phát triển lưới điện, trạm phân phối điện....
Đặc biệt trong lĩnh vực lúa gạo, SHB cho vay tài trợ chuỗi lúa gạo khép kín, góp phần liên kết giữa hàng trăm nghìn héc-ta vùng nguyên liệu, hàng chục nghìn hộ nông dân, hợp tác xã ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, SHB triển khai cho vay khách hàng doanh nghiệp theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Trong đó, các dự án được SHB tài trợ vốn đã đáp ứng các chuẩn mực, các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm “xanh” và “sạch”, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Tiêu biểu như Dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc - nhà máy gạo quy mô lớn nhất châu Á…
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, SHB luôn kiểm soát hoạt động an toàn, bền vững. Các dự án khi được SHB lựa chọn tài trợ vốn phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế và trong nước về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. SHB đã đưa nội dung đánh giá rủi ro môi trường xã hội là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đánh giá, thẩm định để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng. Điều này giúp Ngân hàng lựa chọn được các khách hàng có phương án, dự án xanh thân thiện với môi trường, có rủi ro môi trường xã hội thấp; đồng thời, có thể hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trong việc thực hiện các biện pháp, kế hoạch hành động để tránh, giảm thiểu và/hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực về môi trường xã hội trong quá trình khách hàng thực hiện phương án, dự án kinh doanh, khuyến khích khách hàng hướng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh sạch, an toàn và thân thiện hơn với môi trường.
SHB thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trên cơ sở các quy định của Nhà nước và tham khảo theo các tiêu chuẩn hoạt động về môi trường xã hội của IFC. Đồng thời, Ngân hàng đã và đang tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng. Là ngân hàng sớm hoàn thành 3 trụ cột Basel II trước thời hạn, SHB đang từng bước đáp ứng Basel III và IFRS 9. Đây là yếu tố quan trọng giúp Ngân hàng gia tăng dư nợ tín dụng xanh và giữ vững lập trường theo đuổi phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
Nhờ những chiến lược phát triển đồng bộ, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại Ngân hàng chiếm gần 10% trên tổng dư nợ, có xu hướng tăng trưởng ngày càng tăng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay, dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.
Tuy vẫn còn gặp một số khó khăn chung, nhưng với vai trò của trung gian tài chính, SHB cam kết tiếp tục phát triển sản phẩm tín dụng xanh, chung tay thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của quốc gia. SHB tiếp tục đẩy mạnh số hóa sản phẩm, dịch vụ, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, từ đó giảm thiểu lưu thông tiền mặt trong thị trường, góp phần phát triển sản phẩm tín dụng xanh; nâng cao năng lực tài chính bằng cách huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế hay các nhà tài trợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về tăng trưởng xanh; cung cấp thông tin để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tín dụng xanh cũng như lợi ích của tín dụng xanh. Nhiều khách hàng quan tâm đến tín dụng xanh sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.