Tại nhiều địa phương hiện nay, nhà đất không có giấy tờ đang chiếm tới 70-80% số lượng hồ sơ cần được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Từ năm sau, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các trường hợp sử dụng đất không giấy tờ trước ngày 1/7/2014 sẽ được xem xét cấp sổ. Theo quy định của Luật, vai trò của UBND cấp xã, nơi có đất, là rất lớn, khi cấp xã sẽ là đơn vị xác nhận các trường hợp đủ điều kiện hay không. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang có những băn khoăn về quy định cụ thể để tránh lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tới gần 2.000 thửa đất người dân đã tự ý chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Theo quy định của Luật mới, để được cấp sổ đỏ, các thửa đất vi phạm này phải được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận về nguồn gốc, hiện không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ lãnh đạo huyện, công việc này không hề dễ dàng.
Nếu không có các quy định chặt chẽ, người dân sẽ khó có được xác nhận từ chính quyền xã để làm sổ đỏ
Ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội cho biết: "Những cán bộ của địa phương được bầu lên theo nhiệm kỳ. Việc quản lý đất đai của cấp chính quyền nông thôn không được chặt chẽ. Trách nhiệm của cấp xã và xác nhận được quy định chặt chẽ hơn gồm những vấn đề gì. Bây giờ hầu hết chính quyền cơ sở chỉ xác nhận sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, nhưng căn cứ để xác định việc này có những trường hợp chưa được cụ thể.
Mong muốn Chính phủ xem xét xác định, phải có căn cứ chẳng hạn như giao trái thẩm quyền, hoặc từ khi chuyển đổi phải có biên bản vi phạm hành chính thời điểm đó hoặc có một căn cứ nào đó. Hiện nay giao cho cấp xã có thẩm quyền như vậy cũng khó khăn trong việc nếu họ không có trách nhiệm thì không dám xác nhận và xác nhận như thế nào thì nên cụ thể các tài liệu như thế nào".
Đồng tình với quan điểm này, đại diện huyện Thanh Trì cho biết, quy định lấy xác nhận của cấp xã phải chặt chẽ, tránh phát sinh các tiêu cực như chạy chọt, xác nhận không đúng nguồn gốc.
Bà Ngô Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội nhận định: "Việc bây giờ có thể đi tìm hay truy ngược lại các chủ đất theo các hình thức như mời, thông báo, đăng báo đôi khi còn nhiều bất cập. Rút ngắn quá trình để tạo điều kiện cho người dân trong việc xác minh cũng như khẳng định được nguồn gốc của quá trình mua bán".
Thực tế, nhiều trường hợp đất được giao trái thẩm quyền hoặc lấn chiếm từ đất nông nghiệp đã diễn ra từ 20-30 năm trước. Không ít người thậm chí đã làm mất giấy tờ gốc hoặc nội dung ghi không rõ ràng. Nếu không có các quy định chặt chẽ, người dân sẽ khó có được xác nhận từ chính quyền xã để làm sổ đỏ. Bởi hầu hết lãnh đạo chính quyền xã mới bắt đầu nhiệm kỳ từ 1-5 năm trở lại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74352435112304202-ot-yaig-gnohk-tad-hnid-cax-ihk-nahk-ohk/et-hnik/nv.vtv