vĐồng tin tức tài chính 365

Những ngày tham gia khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

2024-03-22 06:56

Vỏ Mỹ, ruột Liên Xô

Mỗi người trở về mang theo niềm tự hào là những người đầu tiên đi khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - lò phản ứng hạt nhân có một không hai ở Đông Nam Á và cả thế giới tại thời điểm bấy giờ.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đặc biệt bởi bản thân nó gắn với mốc lịch sử của VN thời chống Mỹ. Lò được xây dựng và khánh thành hai lần và đưa vào hoạt động với hai loại nhiên liệu khác nhau. Lần đầu công suất nhỏ hơn (Mark II 250 KW), khánh thành năm 1963 do Mỹ tài trợ. Ba ngày trước khi Đà Lạt giải phóng, Mỹ rút hết thanh nhiên liệu đưa về nước khiến lò không hoạt động được nữa. Lần xây dựng thứ hai, là Liên Xô giúp khôi phục và mở rộng, với công suất 500 KW cùng với công trình phụ an toàn đầy đủ hơn. Như vậy, lò này đặc biệt bởi thùng lò do Mỹ xây dựng, ruột lò là của Liên Xô. Đây là hai cường quốc hạt nhân.

Những ngày tham gia khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Viện NCHN Đà Lạt năm 1984

TƯ LIỆU CỦA VIỆN NCHN ĐÀ LẠT

MẶC QUẦN CỘC ĐI LÀM NGÀNH HẠT NHÂN

Để khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân, sau khi thống nhất đất nước, nhiều cán bộ khoa học và xây dựng được điều động vào Đà Lạt công tác.

Đầu năm 1983, khi chúng tôi đang công tác ở Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình thì Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước và Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) có công văn đến nhà máy thu xếp cho vợ chồng tôi vào Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt làm việc theo đúng với chuyên môn nhà nước đã cử đi học ở Liên Xô. Khi đó chồng tôi đang là Trưởng ca của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, lúc đó cũng là nhà máy trụ cột phát điện ở miền Bắc. Tôi là Quản đốc Phân xưởng xử lý và quản lý chế độ nước của nhà máy. Chúng tôi đang làm tốt công việc nên lãnh đạo không muốn cho đi. Tôi vẫn nhớ trong buổi họp chia tay, một bác phó giám đốc còn nói: "Không biết có nơi nào trên thế giới mặc quần cộc đi làm ngành hạt nhân". Câu nói ấy thể hiện sự thiếu tin tưởng vào tương lai của ngành hạt nhân khi đất nước đang quá khó khăn.

Với sự quyết tâm của bản thân và sự động viên của các bạn học cùng khóa đã về công tác ở Viện Khoa học và Viện NCHN, chúng tôi vào Đà Lạt.

Tháng 9.1983, gia đình chúng tôi được bố trí đi máy bay từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Liên Khương (Đà Lạt). Hai bé nhà tôi thích lắm, vì lần đầu được đi máy bay. Hành trang vào Đà Lạt còn mấy thùng phi sách và một chiếc xe đạp gửi theo ô tô chở hàng hóa vào Đà Lạt của Viện NCHN.

Những ngày tham gia khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lần đến thăm và làm việc tại Viện NCHN Đà Lạt. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh cùng cán bộ của Viện trước Lò phản ứng hạt nhân

Những ngày tham gia khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt- Ảnh 3.

Ảnh chụp tại lối vào nhà lò phản ứng, đầu năm 1984 của một số cán bộ VN và chuyên gia Liên Xô tham gia khởi động lò. Từ trái sang: Ngô Quang Huy, Mai Văn Hùng, Ulitin Valeri Fedorovich, Hoàng Xuân Vũ, Ozimai Nikolai Stepanovich, Nguyễn Thị Năng, Trần Khánh Mai và Nguyễn Mộng Sinh

NIỀM VUI TỘT ĐỘ

Tuy vào trễ so với các cán bộ khác, nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng hòa nhập với công việc và cuộc sống sinh hoạt ở khu tập thể Viện NCHN (khi đó là khu Giáo Hoàng Học viện). Được như vậy là nhờ ban lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng ban quan tâm, nhất là các anh chị trong khối khoa học kỹ thuật được đào tạo từ nhiều nguồn trong và ngoài nước (Pháp, Liên Xô, các nước Đông Âu...) và một số người đã làm việc ở lò cũ tình nguyện ở lại. Mọi người tôn trọng và phối hợp tốt với nhau trong công việc. Thêm vào đó, các kỹ sư chuyên gia Liên Xô rất cởi mở, tận tình.

Sau thời gian làm việc không mệt mỏi của cán bộ công chức Viện NCHN và chuyên gia kỹ thuật của Liên Xô, lò phản ứng hạt nhân đã được đưa vào khởi động. Ngày 30.10.1983 bắt đầu khởi động lò. Nhóm khởi động lò gồm 20 cán bộ VN (trong đó có vợ chồng tôi) và 11 chuyên gia Liên Xô. Về phía VN, GS Ngô Quang Huy làm trưởng kíp, GS Phạm Duy Hiển làm Tổng chỉ huy công trình. Về phía Liên Xô, ông Arhanghenski N.V làm trưởng kíp, ông Ulitin Fedorovich làm Tổng chỉ huy công trình. Lò tới hạn lúc 19 giờ 50 ngày 1.11.1983 trong niềm vui sướng và tự hào tột độ của mọi người.

Xuất phát từ niềm vinh dự và tự hào trào dâng trong những ngày được tham gia vào ê kíp khởi động lò phản ứng cùng các cán bộ VN và Liên Xô; từ lời động viên của Tổng Bí thư Lê Duẩn với đội ngũ cán bộ công chức Viện NCHN "là con chim đầu đàn của ngành vật lý nguyên tử", tôi đã viết nên Bài thơ vào Ca 3. Xin dành tặng bài thơ cho tất cả các cán bộ công chức của Viện NCHN đã tham gia khôi phục và mở rộng lò, đặc biệt là ê kíp tham gia khởi động lò.

BÀI THƠ VÀO CA 3

Tôi đã cùng ai thức trọn Ca 3

Bên chiếc máy ghi của lò phản ứng

Tất cả những gì Anh đang chịu đựng

Đà Lạt mùa mưa, gió rít rừng thông

Anh có lạnh lắm không?

Hỡi Anh Trưởng ca, hôm nay bên bàn điều khiển

Và tôi hiểu, Anh đang hãnh diện

Gửi niềm tin về với Ca 3…

Tôi muốn viết tặng Anh bài ca

Dẫu chưa hay, Anh đừng chê nhé!

(Có chê - chê khẽ, cái buổi ban đầu)

Dẫu tôi chưa hiểu sâu, ngành hạt nhân mới mẻ

Dẫu tôi chưa hiểu Anh, Anh Vật lý lò tươi trẻ

Mà sao đã mê say

Mà sao đã vui lây

Có phải từ nơi đây

Có phải từ hôm nay

Những con chim đầu đàn

Đang tập vỗ cánh tung bay

(Đà Lạt, ngày 20 tháng 3 năm 1984) 

Sau giai đoạn khôi phục và khởi động, ngày 20.3.1984, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động.

Từ khi lò được đưa vào hoạt động với sự hợp tác, giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhiều khoa y học hạt nhân đã hình thành và phát triển nhanh trong các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh mà Viện NCHN Đà Lạt là nơi cung cấp đồng vị phóng xạ, nhờ đó hàng ngàn bệnh nhân ung thư được điều trị. Viện NCHN Đà Lạt cũng có rất nhiều ứng dụng trong phát triển giống cây trồng, trong chiếu xạ bảo quản an toàn sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt Viện là nơi đào tạo nhân lực phục vụ các ngành liên quan đến ứng dụng và an toàn hạt nhân.

Xem thêm: mth.542703261023042581-tal-ad-nahn-tah-gnu-nahp-ol-gnod-iohk-aig-maht-yagn-gnuhn/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những ngày tham gia khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools