"Vỡ" tiến độ
Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội hoàn toàn bị "vỡ" tiến độ vì đến nay chưa có bất kỳ khu tập thể cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Tại Q.Đống Đa, chính quyền sở tại vừa hoàn thành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại 3 khu tập thể, trong đó có khu tập thể Trung Tự.
Dự kiến quy mô dân số khu tập thể Trung Tự là 8.200 người, vùng phụ cận hơn 4.000 người. Mật độ xây dựng toàn khu giữ nguyên theo quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 đã được thành phố phê duyệt vào năm 2012. Tuy nhiên, chiều cao tối đa đề xuất nâng từ 24 lên 48 tầng, gấp đôi số tầng quy hoạch phân khu trước đó.
Trong khi đó, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, mới đây, UBND Q.Ba Đình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; phương án kiến trúc sơ bộ để cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư cũ G6A, G6B, G22, G23, G24 Thành Công (P.Thành Công).
Theo phương án đề xuất của Q.Ba Đình, sau khi phá dỡ tòa chung cư cũ G6A (thuộc loại nguy hiểm cấp độ D), trên nền nhà sẽ xây dựng chung cư tái định cư cao 29 tầng, gồm 5 tầng đế và 24 tầng cao. Toàn bộ người dân ở các tòa nhà G6A, G6B, G22, G23, G24 sẽ tái định cư tại tòa nhà này, khoảng 220 căn hộ. Khoảng 70 căn hộ còn lại của tòa nhà sẽ sử dụng mục đích thương mại, dịch vụ.
4 tòa chung cư cũ còn lại sau khi phá dỡ sẽ xây thành 2 tòa nhà dịch vụ, thương mại, không có chức năng để ở. Trong đó, 1 tòa cao 21 tầng, 1 tòa cao 28 tầng.
Cho ý kiến về phương án quy hoạch, nhiều cư dân ở 5 cụm nhà chung cư cũ bày tỏ vui mừng vì sau nhiều năm phải đi tạm cư thì mọi người sắp được quay trở lại sinh sống ở các tòa nhà mới. Tuy nhiên, không ít người lo ngại chất lượng của tòa chung cư tái định cư sẽ không tốt bằng tòa nhà thương mại.
Theo ông Phạm Văn Hùng (cư dân ở chung cư cũ G34), phương án cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và cư dân. Do đó, ông đề nghị xây cả 3 tòa đều là chung cư thương mại kết hợp tái định cư dựa trên nguyên tắc hộ dân nào ở chung cư cũ nào thì tái định cư tại chỗ ở tòa nhà mới thay thế.
"Nếu vẫn quyết làm thì sẽ có hệ lụy trong tương lại, đó là các hộ dân ở G23, G24 không đồng ý về tòa nhà mới xây trên đất chung cư cũ G6A, G6B, từ đó dẫn đến khiếu nại rồi lại chậm tiến độ. Tôi đề nghị phải đảm bảo hài hòa lợi ích và đó là cách tốt nhất để làm được vấn đề này", ông Hùng chia sẻ thêm.
Phản hồi ý kiến của người dân, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND Q.Ba Đình, cho biết vị trí xây tòa nhà tái định cư trên nền đất chung cư cũ G6A, G6B rất đẹp, có tầm nhìn ra hồ. Theo quy hoạch, khu vực này được phép xây cao và tính đủ số căn hộ cho các hộ dân. Riêng 2 tòa nhà còn lại chỉ được xây trung tâm thương mại, văn phòng hoặc khách sạn, tuyệt đối không có nhà ở.
"UBND quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư, mời cư dân đến để làm việc với các nhà đầu tư. Sẽ có vài nhà đầu tư đăng ký và chính cư dân là người lựa chọn nhà đầu tư mà mình thấy có lợi nhất về tiến độ, chất lượng công trình cũng như hệ số K lớn nhất. Như vậy, phần có lợi sẽ hoàn toàn thuộc về cộng đồng dân cư", ông Chiến khẳng định.
Không được làm tăng dân số trong nội đô
Nói về công tác xây dựng, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội trong hàng chục năm qua, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết từ năm 2018 trở về trước, việc lập quy hoạch các khu chung cư cũ được giao cho chủ đầu tư. Vì lợi ích kinh doanh nên việc lập quy hoạch đã không đảm bảo hài hòa với tổng thể phát triển của thành phố.
Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị và có sự thay đổi một số đường lối, chủ trương thì UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
"Trong đề án này có điểm đổi mới là giao cho cơ quan quản lý nhà nước mà đầu mối là Sở QH-KT Hà Nội và các quận, huyện lập quy hoạch các khu chung cư cũ. Việc Nhà nước đặt ra nhiệm vụ của mình là phải làm quy hoạch và lấy ý kiến của nhân dân là sự đổi mới", ông Nghiêm đánh giá.
Đề cập đến việc lập quy hoạch khu chung cư cũ trên địa bàn các quận Cầu Giấy và Đống Đa, trong đó có đề xuất thay thế các khu chung cư, tập thể cũ bằng các tòa cao ốc, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý, cơ quan chức năng cần tuân thủ nguyên tắc không gây áp lực cho trung tâm Hà Nội và phân bố dân cư hợp lý.
"Trong các quận lõi của Hà Nội, như khu tập thể Trung Tự thuộc Q.Đống Đa, thì cần xem xét việc tăng diện tích xây dựng lên để làm gì? Có phải để cho người dân không hay là để xây trung tâm dịch vụ thương mại. Đây là nhiệm vụ mà các cơ quan quản lý phải cân đối cho hài hòa", ông Nghiêm nêu vấn đề.
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ đã có rất nhiều định hướng mới nhưng vẫn còn thách thức vì cơ sở pháp lý chưa đồng bộ.
Cụ thể, trước đây Hà Nội đã có quy hoạch chiều cao công trình kiến trúc trong nội đô, trong đó có xác định khu vực nào được tầm cao bao nhiêu. Tuy nhiên, sắp tới, khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 65 và Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt thì thành phố cũng phải điều chỉnh lại quy hoạch tầm cao đã ban hành trước đó.
"Dù định hướng nào đi chăng nữa thì việc lập quy hoạch vẫn phải tuân thủ theo quy hoạch thủ đô và đặc biệt không gia tăng dân số trong khu vực nội đô, nhất là ở những quận lõi", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, chủ yếu được xây dựng trước 1954 và từ năm 1960 - 1994.
Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Giai đoạn năm 2021 - 2025, Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.