Đầu tư chứng chỉ quỹ ngày càng đơn giản
Theo ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), để chọn ra các cổ phiếu tốt trước diễn biến thị trường có sự phân hóa lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu kiến thức, có phương pháp, kinh nghiệm để đánh giá đúng và đưa ra lựa chọn hiệu quả. Do đó, với những nhà đầu tư không chuyên thì lựa chọn đầu tư vào quỹ mở là cách tham gia đầu tư chứng khoán phù hợp, đáp ứng được kỳ vọng lợi nhuận trong dài hạn.
“Nếu đầu tư vào Quỹ VCBF-BCF từ khi thành lập năm 2014 đến nay, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận bình quân xấp xỉ 12%/năm. Mức này tốt hơn nhiều so với mức tăng chỉ khoảng 7%/năm của thị trường chứng khoán nói chung và tốt hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm trong cùng thời gian 9 năm”, ông Nhân cho biết.
Tính riêng trong năm 2023, nhiều quỹ mở cổ phiếu duy trì mức lợi nhuận cao hơn so với VN-Index như VCBF-MGF có hiệu suất đầu tư 31,8%, VINACAPITAL-VESAF là 30,6%, SSISCA là 28,8%, DCDS là 28,1%, UVEEF là 17,7%.
Từ cuối năm 2023 tới nay, hiệu suất đầu tư của các quỹ mở cổ phiếu cũng rất tích cực. Trong 3 tháng qua, tỷ lệ lợi nhuận của VCBF-MGF đạt 12,9%, Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI) đạt 16,8%, Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) đạt 12,8%, Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSISCA) đạt 15,2%.
Không riêng các quỹ mở cổ phiếu, mà các quỹ mở trái phiếu cũng trở thành kênh cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng. Chẳng hạn, ghi nhận trên Fmarket, nền tảng tập trung quỹ mở được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, trong 1 năm qua, các quỹ mở trái phiếu đạt lợi nhuận cao hơn so với lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng như LHBF là 22,1%, MBBOND là 10,8%, SSIBF là 10,4%, VCBF-FIF là 9,8%, MAFF là 9,5%, DCBF là 9,3%.
Kể từ tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện mới tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP như quy định về giá trị nắm giữ tối thiểu, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp... Do đó, một bộ phận nhà đầu tư chọn mua qua quỹ mở trái phiếu như một hình thức đầu tư trái phiếu đơn giản hơn, đồng thời hạn chế rủi ro từ việc đầu tư trái phiếu trực tiếp.
Đầu tư chứng chỉ quỹ dần trở nên hấp dẫn nhờ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân. Thực tế, đây là kênh đầu tư dễ tiếp cận với số vốn nhỏ, nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ chỉ từ 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ; rủi ro được hạn chế bởi hoạt động đầu tư do các chuyên gia thực hiện, phù hợp với nhà đầu tư không đủ kiến thức và thời gian bám sát tình hình doanh nghiệp cũng như diễn biến thị trường.
Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng chỉ quỹ đóng bằng các tài khoản chứng khoán dễ dàng như mua cổ phiếu, bởi các quỹ này bắt buộc phải được niêm yết trên sàn.
Riêng đối với chứng chỉ quỹ mở, tuy không được niêm yết nhưng việc tiếp cận cũng đơn giản nhờ sự phát triển của công nghệ. Các công ty quản lý thường phát triển ứng dụng giao dịch chứng chỉ quỹ riêng, hoặc phân phối qua các kênh tài chính như ứng dụng ngân hàng, các đơn vị phân phối bao gồm công ty chứng khoán, sàn giao dịch.
Chẳng hạn, Dragon Capital là một trong các quỹ có mặt nhiều nhất trên các ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech). Ngoài việc tự xây dựng ứng dụng riêng mang tên DragonX, các quỹ thành viên của Dragon Capital còn xuất hiện trên các ứng dụng ngân hàng như Cake (VPBank), MBBank, hoặc trên Momo, Fmarket.
Nhà đầu tư chỉ cần tải ứng dụng trên về máy, qua một số thao tác mở tài khoản đơn giản là có thể tự mua và theo dõi với đầy đủ thông tin từng loại quỹ.
Cũng như các quỹ khác, Dragon Capital còn được phân phối bởi phần lớn các công ty chứng khoán như Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán VNDIRECT, Chứng khoán FPT, Chứng khoán Vietcombank.
Tương tự, nhà đầu tư muốn mua chứng chỉ các quỹ mở của VCBF có thể dễ dàng thực hiện qua các ứng dụng Momo, VCBF Mobile, Fmarket, hoặc VCB Digibank.
Đáng chú ý, với việc số lượng quỹ trên thị trường gia tăng, nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn hàng hoá. Nhà đầu tư có thể lựa chọn quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro cũng như mục tiêu lợi nhuận đặt ra trước khi “xuống tiền” mua chứng chỉ quỹ.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 12/2023, trên thị trường có 108 quỹ thuộc 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép hoạt động. Trong đó, quỹ mở chiếm số lượng lớn nhất với 56 quỹ, còn loại hình quỹ ETF có 14 quỹ.
Góc nhìn nhà đầu tư
Một nhà đầu tư chứng chỉ quỹ đã gắn bó với kênh đầu tư này trong 5 năm qua, trải qua các đợt rung lắc mạnh của thị trường năm 2022 và gần cuối năm 2023 nhận xét, lợi ích của việc đầu tư tài sản như chứng chỉ quỹ dễ nhận thấy hơn trong thời gian dài.
Trong ngắn hạn, biến động của chứng chỉ quỹ có nét tương đồng với diễn biến của thị trường chứng khoán, mà chỉ số VN-Index là tham chiếu. Chưa kể, các quỹ đầu tư vào một rổ các cổ phiếu với sức mạnh khác nhau, vậy nên không ít thời điểm chứng chỉ quỹ giảm giá mạnh hơn so với chỉ số. Tuy nhiên, trong thời gian dài hơn, các quỹ đều chứng minh được hiệu suất đầu tư tích cực so với thị trường chung.
Đơn cử, kể từ đầu năm 2024 tới ngày 12/3, lợi nhuận đầu tư của Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF) là 9,8%, trong khi cùng giai đoạn này, VN-Index tăng 10,3%. Theo đó, hiệu suất đầu tư của VESAF đang kém thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận trung bình 3 năm và 5 năm qua của VESAF lần lượt là 16,5% và 19,1%, so với mức tăng 2,1% và 4,8% của VN-Index.
“Mỗi khi thị trường chứng khoán rung lắc, nhiều người sẽ đặt câu hỏi có nên bán chứng chỉ quỹ đang nắm giữ hay không? Theo quan điểm của tôi, việc đầu tư chứng chỉ quỹ khác với cổ phiếu. Thị trường có thể có nhiều biến động lên xuống, tuy nhiên vì đầu tư vào quỹ mở là đầu tư dài hạn nên bí quyết để chấp nhận biến động thị trường là tập trung vào kết quả lâu dài, thay vì các thay đổi hàng ngày”, nhà đầu tư trên nói.