Thời điểm bán căn hộ cách đây ba năm. "Gia đình tôi rơi vào khủng hoảng. Em gái tôi chơi tiền ảo, cần tiền đầu tư. Tiền tỉ ra đi trong chớp mắt", anh nặng nề trải lòng.
Càng rót tiền càng hăng
Năm năm trước, Ly (em gái Bảo) là cô gái mới ra trường. Làm công việc bán quần áo, Ly sống cùng mẹ trong căn nhà ven quốc lộ cây cối xanh mát.
Một ngày kia nghe về tiền ảo, cô thử chơi và ghiền lúc nào không hay. Mải mê với những lần đặt lệnh ngắn hạn mua vào bán ra trong mấy mươi giây, ban đầu cô lời nhiều với mức hấp dẫn từ hơn 50%. Như con chim trên đà bay cao, cô rót tiền càng hăng.
Cô rủ thêm người thân, bạn bè góp vốn lấy lời. Nghe lợi nhuận hấp dẫn trong thời gian ngắn, nhiều người góp lúc mấy chục triệu đồng, lúc tiền tỉ. Đùng một cái, sàn tiền ảo sập, ai cũng ngồi trên đống lửa vì tiền mọc chân đi không trở lại.
Anh Bảo nhớ lại: "Hồi đó gia đình tôi ở dưới quê. Sau đó mẹ bán nhà, mua căn hộ cho tôi trên TP.HCM lập nghiệp. Em gái được mẹ cho miếng đất".
Mua căn hộ nhưng em gái anh đứng tên và lẳng lặng bán đi để đổ vốn vào tiền ảo. Máu chảy ruột mềm. Thương em, một thời gian sau, Bảo đưa thêm 500 triệu đồng để em làm ăn trên... sàn tiền ảo.
Toàn bộ vốn liếng trôi tuột như bờ đất bị cơn sóng ngoạm sạch. Ly bán luôn phần đất mẹ cho, rơi vào vòng xoáy thắng thua gỡ gạc, mượn tiền tứ phía.
Đỉnh điểm sự việc là khi có nhà đầu tư rót tiền với lời ngon ngọt. "Nhưng thật ra đó là giang hồ, kêu em tôi thỏa thuận, viết giấy nợ. Ròng rã cả năm trời, khi em tôi không muốn hợp tác thì họ đe dọa", Bảo kể.
Quá lo lắng, em gái anh lánh đi tỉnh khác và phải nhờ tới cơ quan chức năng can thiệp mới thoát khỏi vòng vây lừa đảo, cho vay trá hình. Nhà cửa, tiền bạc không còn, giờ đây mẹ Bảo ở nhờ người họ hàng.
Bảo tâm sự: "Những năm đó mọi người gièm pha, yêu cầu em gái tôi trả lại tiền. Bây giờ em tôi làm việc văn phòng, dành dụm trả nợ dần nhưng số nợ còn tiền tỉ, không biết bao giờ trả hết...".
Khi bà nội trợ chơi tiền ảo
Chiều muộn cuối tháng 1-2024, người dân trong hẻm nhỏ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) bỗng nghe tiếng quát tháo, chửi rủa thậm tệ ầm ầm cả khu xóm.
"Giờ mày trả tiền hay để tụi tao phá nhà? Nhà mày còn gì tụi tao lấy hết, qua Tết tụi tao tính sổ luôn cái mạng mày!". Kèm theo đó là những tiếng chửi thề tục tĩu của nhóm trai tráng 4 - 5 người.
Trong nhà, người vợ tên Diễm My (40 tuổi) đóng chặt cửa không dám lên tiếng. Người hàng xóm thân thiết thấy vậy, gọi cho chồng chị đang đi làm chạy gấp về nhà.
"Về tới nơi, chồng tôi chết lặng khi nghe đám người đòi nợ báo tôi đang nợ gần 2 tỉ đồng, tính cả gốc lãi hơn năm nay", chị My nhớ lại.
Theo tâm sự của chị, chồng đi làm thu nhập khá nên chị nghỉ làm lo cơm nước và nuôi dạy hai người con. Những lúc con đi học, chị rảnh rỗi nên giấu chồng lên mạng chơi tiền ảo.
Ban đầu ăn nhiều thua ít, sau đó ăn ít thua nhiều. Càng thua càng gỡ, tiền dành dụm chị lén chồng đem ra "bung xõa". Lúc hết tiền thì chị đi vay.
Máu gỡ gạc làm cho con người mê muội. Chị vay tới tiền tỉ lúc nào không hay. Chưa tới một năm, lãi chồng lãi lên gần 2 tỉ đồng không trả nổi nên xảy ra cớ sự ngày hôm nay.
Không còn cách nào khác, chồng chị gom góp rồi vay thêm bạn bè trả trước cho chủ nợ 500 triệu đồng.
Anh dùng lời lẽ thiệt hơn xin chủ nợ ngừng tính lãi rồi cam kết trả dần trong hai năm số tiền còn lại. Có lẽ nợ rồi sẽ trả hết nhưng mối quan hệ gia đình rạn vỡ không biết họ có hàn gắn lại được không?
Có nợ thì... vay tứ phương
Một buổi sáng vừa vào công ty, Đức Phát (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) gật đầu chào anh đồng nghiệp phòng bên thì thấy anh chàng muốn nói gì đó. "Lượn" ra ban công, người đồng nghiệp mới thỏ thẻ "Em có 3 triệu đồng đó không, cho anh mượn đỡ mua đồ. Một tiếng nữa anh trả". Hơi bất ngờ nhưng Phát vẫn chuyển khoản.
Mấy tiếng sau, anh này nhắn tin Zalo, hỏi mượn liên tục khi 2 triệu đồng, khi 3 triệu đồng. Phát kể: "Tôi cảnh giác sợ ảnh bị mất nick nên không cho mượn.
Ai ngờ mới tuần trước, ảnh cà phê tâm sự ba năm qua là thời gian khủng khiếp. Gần 1,1 tỉ đồng đổ vô chơi tiền ảo và chứng khoán tan tành".
Sự tình là anh chàng giấu vợ, bơi trong tiền ảo từ năm 2021. Nhà đầu tư nghiệp dư rót vốn mỗi thứ 400 triệu đồng.
Sau đó, anh đem cả điện thoại đi cầm, rồi đi vay nóng 100 triệu đồng. "Ảnh nói từ lúc sàn tiền ảo sập, mỗi tháng trả lãi vay nóng 15 triệu đồng, phải làm thêm công việc khác trả nợ", Phát thở dài. Lúc quá túng, anh đánh liều mượn đồng nghiệp mỗi người vài triệu đồng.
Nghĩ tới số tiền lãi đẻ như vịt chạy đồng mà anh rầu thúi ruột. Dù số nợ đã vơi nhiều nhưng giờ nhìn anh chàng không ra hình hài người, bởi dáng vẻ phờ phạc, xơ xác.
Bị lừa hơn 5 tỉ trong 5 ngày
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Sau khi quen một người qua ứng dụng hẹn hò Tinder, chị T. (Hà Nội) được mời chơi tiền ảo và bị lừa tổng 5,4 tỉ đồng trong năm ngày. Lần đầu, chị nạp 20 triệu đồng, lập tức được rút 30 triệu đồng. Chị tiếp tục nạp hai lần, sau đó khi nạp 300 triệu đồng thì có thông báo "tài khoản thắng 10,1 tỉ đồng" nhưng không rút được tiền.
Hệ thống báo "nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân", chị nộp 1,7 tỉ đồng, kèm 2 tỉ đồng tiền xác minh tài khoản để rút tiền về và 1,4 tỉ đồng tham gia kênh rút tiền nhanh. Không rút được tiền, biết bị lừa, chị trình báo Công an TP Hà Nội hồi đầu tháng 3.
Cảnh giác chiêu lừa đầu tư tài chính trên mạng
Ngày 10-3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra khuyến nghị người dùng cảnh giác trước các hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó có thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng.
Theo đó, một số phương thức lừa đảo liên quan đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa như: Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối...
Theo ghi nhận, các chiêu trò lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi. Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế rồi cho đội ngũ telesale mời chào, thuyết phục nhà đầu tư thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản.
Do đó, người dân cần cảnh giác trước các đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng, đồng thời tìm hiểu kỹ phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Người dân cần trang bị kiến thức về tài chính, đầu tư. Khi thấy không chắc chắn, nên tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để tránh rủi ro.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông)
-----------------------------
Dự báo sau dịch giã, tình hình kinh tế sẽ như "người lành bệnh ăn trả bữa", phát triển mạnh trở lại, ông Năm vay tiền đầu tư máy móc sản xuất để doanh nghiệp chuẩn bị đón đầu cơ hội. Không ngờ...
Kỳ tới: Vòng xoáy vay tiền đầu tư rồi... vay tiền trả nợ
Kinh tế không thuận lợi, nhiều người gắng chèo chống vượt qua, nhưng cũng không ít người đổ nợ đến bạc đầu vì làm ăn thua lỗ, kể cả dính vào chơi tiền ảo, đặc biệt các chiêu trò mời gọi đầu tư trên mạng lẫn ngoài đời.