Chiều 22/3, phần tranh luận tiếp tục diễn ra giữa một số bị hại với đại diện Viện KSND Hà Nội, về vấn đề xem xét, buộc Tân Hoàng Minh phải trả gốc và lãi suất cho họ. Đây là vấn đề được bị hại rất quan tâm trong những buổi tranh luận từ khi xét xử vụ án.
Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định có 6.630 nhà đầu tư là bị hại với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng. Theo diễn biến tại toà, hiện có khoảng 1.500 người viết đơn xin giảm án và nhu cầu nhận lại tiền gốc.
Luật sư bào chữa cho các bị hại cho rằng, hầu hết bị hại trong vụ án là người cao tuổi. Họ đã dành tiền tiết kiệm mua trái phiếu với hi vọng tăng thêm chút thu nhập. Trong 2 năm qua, nhiều người không lấy được tiền và phải chật vật với cuộc sống.
“Những tổn thất về vật chất, tinh thần khó mà đong đếm”, một luật sư bào chưa nêu quan điểm.
Sau khi HĐXX đề nghị xác định rõ cách xác định thiệt hại thế nào, thì các luật sư bào chữa cho rằng có thể lấy lãi suất ngân hàng để tính.
Bên cạnh đó, nhiều bị hại không đồng tình trước quan điểm của VKS cho rằng, hợp đồng giữa các bị hại và Tân Hoàng Minh là vô hiệu. HĐXX cũng đề nghị đại diện VKS đối đáp những quan điểm của luật sư cũng như bị hại nêu trên.
Bên cạnh đó, nhiều bị hại mong muốn toà "phân hoá" những trường hợp chỉ cần tiền gốc với trường hợp mong muốn lấy cả lại để thủ tục lấy lại tiền được nhanh chóng.
Đại diện VKS khi đối đáp đã chia sẻ một số khó khăn mà các bị hại gánh chịu. Song, cơ quan công tố thấy, việc mua trái phiếu là hoạt động hợp tác kinh doanh.
"Đây là giao dịch dân sự nên mục đích của giao dịch dân sự phải không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành là vi phạm quy định pháp luật, do đó hợp đồng ký kết là vô hiệu.
HĐXX cho biết sẽ xem xét những quan điểm nêu trên.