Sản phụ bị băng huyết nhưng bệnh viện thiếu loại máu hiếm
Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Trần Lê Anh Dũng (32 tuổi, ngụ TT.Mỹ An, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, gia đình vừa tổ chức xong lễ tang cho vợ anh là sản phụ N.T.T.D (32 tuổi). Đồng thời, anh đã làm đơn gửi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và Sở Y tế yêu cầu làm rõ việc tắc trách của các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Tháp Mười khiến vợ anh tử vong sau khi sinh con tại BV.
Theo anh Dũng, khuya 16.3, thấy chị D. có dấu hiệu chuyển dạ nên anh đưa đến BVĐK khu vực Tháp Mười sinh con, thai kỳ 39 tuần. Khi nhập viện, anh Dũng nộp giấy khám thai, giấy xét nghiệm máu và các giấy tờ liên quan cho BV. Khoảng 9 giờ 35 ngày 17.3, chị D. vào phòng sinh và khoảng 35 phút sau thì sinh thường được bé gái cân nặng hơn 3 kg.
Do chờ khá lâu chưa thấy vợ được đưa ra khỏi phòng sinh như 2 lần sinh thường (năm 2014 và 2017), anh Dũng hỏi bác sĩ thì biết chị D. bị băng huyết, mất nhiều máu sau sinh, bệnh tình đang chuyển nặng, nhưng BV thiếu máu hiếm để cấp cứu cho chị D.
Anh Dũng nói: "Bác sĩ bảo vợ tôi mất nhiều máu, nhưng thuộc nhóm máu hiếm, BV không có máu truyền. Mấy chị em vợ tôi có mặt trong BV cho hay, chị em ruột của vợ đến 7 người, nếu cần truyền máu cho vợ thì BV có thể lấy máu các chị để truyền, nhưng BV bảo không còn túi đựng máu, không thực hiện được. Gia đình có đến liên hệ BV Từ Dũ (TP.HCM) thì BV thông tin còn nhóm máu hiếm của vợ tôi, có thể chuyển lên để xử lý. Tuy nhiên, BVĐK khu vực Tháp Mười bảo sức khỏe của vợ tôi đã rất yếu, chỉ chuyển đến BVĐK tỉnh Đồng Tháp để cấp cứu. Khi chuyển lên BV tỉnh, đến sáng 18.3 thì BV thông báo vợ tôi không qua khỏi, nên gia đình xin chuyển về nhà. Đề nghị tỉnh và Sở Y tế làm rõ vụ việc, vì sao mà 3 đứa con tôi phải chịu cảnh mồ côi mẹ".
PV Thanh Niên liên hệ với ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, để làm rõ vụ việc. Theo ông Bửu, sau khi sự cố xảy ra, Sở Y tế đã yêu cầu hội đồng chuyên môn cùng cán bộ chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực: sản, truyền máu huyết học và hồi sức cấp cứu của BVĐK khu vực Tháp Mười họp đánh giá về trường hợp tai biến sản khoa của sản phụ D.
Ngày 21.3, BVĐK khu vực Tháp Mười có báo cáo kết luận của hội đồng chuyên môn gửi Sở Y tế về trường hợp tử vong của sản phụ D. là do băng huyết sau sinh, mất máu mức độ nặng - nhóm máu hiếm (rhesus âm).
Theo kết luận, khi sản phụ D. diễn biến nặng, BV đã huy động toàn lực để cấp cứu và cử ê kíp bác sĩ, nữ hộ sinh có kinh nghiệm hộ tống trên đường chuyển viện. BV chủ động liên hệ với Trung tâm Truyền máu huyết học Cần Thơ và BVĐK tỉnh Đồng Tháp để cung ứng máu, nhưng rất tiếc không có nhóm máu rhesus âm của sản phụ D. Thế nhưng, ê kíp trực chưa giải thích cho sản phụ và gia đình trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm để hợp tác điều trị nên gây ra sự phản ảnh.
Ngoài ra, bệnh của chị D. diễn biến quá nhanh, lần đầu cấp cứu bệnh nhân nhóm máu hiếm nên ê kíp BV thiếu kinh nghiệm xử lý. Theo kết luận của hội đồng chuyên môn, BV nên khởi động hệ thống "báo động đỏ" cho toàn viện và ngoại viện khi có các trường hợp khó cần hỗ trợ khẩn cấp. BV nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm những mặt hạn chế nhằm nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong xử lý cấp cứu các tai biến sản khoa, đặc biệt là sản phụ có nhóm máu hiếm.
Xử lý nghiêm nếu sai phạm
Liên quan đến vụ việc, ngày 22.3, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế Đồng Tháp yêu cầu xác minh và báo cáo về trường hợp sự cố y khoa tại BVĐK khu vực Tháp Mười.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đồng Tháp thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ D. và các cơ quan truyền thông; gặp gỡ chia sẻ, động viên tới gia đình sản phụ D. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu, BV cần xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Chiều 22.3, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp đã ký báo cáo gửi Bộ Y tế trên cơ sở kết luận của hội đồng chuyên môn vụ việc. Ngoài các nội dung như đã thông tin trên, ông Bửu cho biết, sau khi chị D. được chuyển từ BVĐK khu vực Tháp Mười đến BVĐK Đồng Tháp, BV đã tiếp nhận người bệnh, phối hợp điều trị hồi sức tích cực để cấp cứu như: đặt nội khí quản, cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, hội chẩn liên khoa, tiến hành mổ cấp cứu.
Sản phụ được phẫu thuật cắt tử cung toàn phần, truyền hồng cầu lắng trước và trong khi mổ. Sau mổ, sản phụ tiếp tục được hồi sức: thở máy; tiếp tục truyền hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh; tiêm kháng sinh và cầm máu. Tuy nhiên, tình trạng sản phụ sau mổ không cải thiện, diễn tiến nặng dần, người thân xin về nhà lúc 4 giờ 30 ngày 18.3.