Ngày 22/3, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác.
Mở đầu phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VKS) đề nghị mức án từ 19-20 năm tù về tội Tham ô tài sản đối với bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) phụ trách Tài chính tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Theo VKS, bị cáo Phương là người trực tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, phối hợp với một số bị cáo lên phương án "giải quỹ" giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 163.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.000 tỷ đồng.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương cho rằng, toàn bộ dữ liệu công ty được thống kê, quản lý bởi văn phòng hội đồng quản trị, bản thân bị cáo cũng không được chia sẻ.
Theo bị cáo, khi điều tra, bị cáo bị đề nghị truy tố là tội Tham ô tài sản, bị cáo không hiểu vì sao mình lại tham ô. Nhưng khi đọc cáo trạng, nhìn tổng thể hành vi của bị cáo không quá nghiêm trọng, nặng về.
“Từ lúc bị tạm giam đến nay, bị cáo chưa được gặp vợ con và gia đình. Bị cáo cũng rất xấu hổ khi để xảy ra sự việc này, nên không dám gặp con. Bị cáo xin HĐXX và VKS cân nhắc, xem xét phần bào chữa của các luật sư để cân nhắc khi đưa ra mức hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Hồ Bửu Phương nói.
Phiên tòa tiếp tục với phần trình bày của VKS đề nghị mức án 15-16 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải cho hay, căn cứ hành vi mà VKS luận tội thì bị cáo nghĩ là chưa đầy đủ và chính xác, mong HĐXX xem xét thêm bản chất và hoàn cảnh bị cáo phạm tội.
Theo bị cáo Hải, giai đoạn 1 bị cáo làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, công việc của bị cáo là điều hành việc huy động cá nhân cũng như dịch vụ cá nhân, cho vay tiêu dùng, bị cáo không được tiếp xúc những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Khi lên làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo được ông Thành (Chủ tịch HĐQT) phân công xử lý khối tín dụng và công nợ, nên việc ký vào biên bản hội đồng tín dụng cũng như phiếu lấy ý kiến về việc cho vay... bị cáo chỉ được tiếp xúc trên hồ sơ, chứ không biết các doanh nghiệp này có hoạt động hay không và sử dụng khoản vay này như thế nào.
Thông qua phần xét hỏi của các luật sư, cũng như phần trình bày của các bị cáo, HĐXX có thể thấy, vi phạm trong vụ án xoay quanh việc tạo lập hồ sơ vay, giải ngân cho mục đích sử dụng tiền vay, tiếp theo là tài sản thế chấp… Điều này cho thấy, bị cáo không tham gia cũng không chỉ đạo ai tham gia vào quá trình này.
“Bị cáo thấy ăn năn, hối lỗi về việc mình làm. Nhận thức sâu sắc về tội của mình, kính mong HĐXX và VKS xem xét lại mức an, cân nhắc thêm phần tình tiết giảm nhẹ để bị cáo sớm có cơ hội hòa nhập với xã hội”, bị cáo Hải nói.
Phiên tòa tiếp tục, VKS đề nghị mức án 2-3 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương Loan (nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) và cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Ngoài ra, VKS đề nghị mức án từ 6-7 năm tù đối với bị cáo Lê Khánh Hiền (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là phù hợp với quy định pháp luật.
Cáo trạng truy tố bị cáo Hiền đã phê duyệt 72 Tờ trình tái thẩm định, 2 Biên bản họp Hội đồng quản trị, 72 Biên bản họp Hội đồng tín dụng Hội sở đồng ý cho 72 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VạN Thịnh Phát, với 72 khoản vay tại Ngân hàng SCB…
Lê Khánh Hiền biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái phương án vay vốn.
Hành vi của Lê Khánh Hiền đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại 3.877 tỷ đồng.
Quốc Lâm