Ngày 23.3, tại Vĩnh Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2050. Cùng dự hội nghị còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành ĐBSCL, TP.HCM và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL, trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng báo cáo với Thủ tướng và các đại biểu, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc; toàn tỉnh hiện có 75/87 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 86,21%, vượt 1,21 điểm % so với kế hoạch), trong đó có 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, (chiếm tỷ lệ 42,67%, vượt 2,67 điểm % so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025); 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, 3 lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xúc tiến đầu tư là lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch. Trong đó tập trung phát triển, nâng cao sản lượng lúa (gần 700.000 tấn/năm) và chất lượng các loại cây ăn trái, rau màu như cam sành, chôm chôm, bưởi, khoai lang… (trên 1,2 triệu tấn/năm), từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ở lĩnh vực thương mại, với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và TP.Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Đặc biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 1 và 2 là những công trình quan trọng tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Vĩnh Long, nhất là thế mạnh trở thành một trung tâm logistics của vùng ĐBSCL trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.
Vĩnh Long phát huy hiệu quả loại hình 'du lịch homestay'
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch sẵn có về văn hóa, về vùng đất và con người Vĩnh Long để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tỉnh đang phát huy hiệu quả loại hình "du lịch homestay" với hơn 40 năm được hình thành và phát triển. Đồng thời đang tập trung mời gọi đầu tư dự án bảo tồn làng gạch gốm Mang Thít và Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh Vĩnh Long.
Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Vĩnh Long tổ chức không gian trưng bày, triển lãm sa bàn quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm OCOP, các nông sản đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó là trưng bày, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật giới thiệu những địa điểm tham quan, những sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của tỉnh… Qua đó, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối giao thương, gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị công bố quy hoạch là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Long, tạo ra xung lực mới để tỉnh tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những khó khăn của tỉnh Vĩnh Long như: biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục; nhân lực chất lượng cao; không có các trung tâm công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp bằng công nghiệp; chưa kết nối được chuỗi sản xuất và cung ứng…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra một số giải pháp khắc phục khó khăn trên và mong muốn tỉnh phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển tỉnh Vĩnh Long toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày một ấm no hạnh phúc.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 là 7%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 26%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 25%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45%; Thuế sản phẩm - (trừ) trợ cấp sản phẩm khoảng 4%.
Tầm nhìn đến năm 2050: Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.