Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, ngày 18-3, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản đề nghị một số địa phương, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong tháng 5 và 6-2023, phía Trung Quốc đã phát hiện, cảnh báo 6 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu có nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.
Bốn tháng sau đó, phía Trung Quốc chỉ phát hiện 1 lô hàng sầu riêng vi phạm về dư lượng cadimi.
Tuy nhiên, từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024, các vi phạm có xu hướng gia tăng khi Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo 23 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.
Như vậy từ tháng 5-2023 đến tháng 1-2024 có 30 lô hàng bị cảnh báo. Trong số những lô hàng bị cảnh báo, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu T.V. (Lạng Sơn) và Công ty TNHH quốc tế H.A. (Hà Nội) vi phạm nhiều nhất, mỗi doanh nghiệp có 4 lô bị cảnh báo. Tiếp đến là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu nông sản T.P. (Lạng Sơn) có 3 lô vi phạm. 15 công ty khác bị 1 - 2 cảnh báo.
Thống kê theo địa phương cho thấy Lạng Sơn có 7 doanh nghiệp xuất khẩu có lô hàng sầu riêng vi phạm, Tiền Giang 4 doanh nghiệp, Hà Nội 3 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Đắk Lắk và TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 23-3, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh theo Nghị định thư đã ký kết, phía Trung Quốc giám sát rất chặt chẽ việc đáp ứng tiêu chuẩn của sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này.
Theo vị này, việc 30 lô hàng sầu riêng của nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng lại có điểm chung là bị cảnh báo sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng là do "có thể phía bạn quan tâm đến mối nguy từ chất này nên tập trung, tăng cường kiểm tra".
Về nguyên nhân dẫn tới việc sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết có thể xuất phát từ khâu trồng trọt, do sử dụng phân bón hoặc đất, nguồn nước tưới bị nhiễm cadimi.
Thứ hai, trong quá trình sơ chế, làm sạch sau thu hoạch thì có thể doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi.
Yêu cầu thu hồi, xử lý các lô hàng vi phạm
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin cục đã đề nghị các doanh nghiệp, địa phương điều tra, truy xuất lại toàn bộ quá trình từ trồng trọt cho đến khâu đóng gói để xác định nguyên nhân cụ thể để từ đó có giải pháp khắc phục.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi và xử lý các lô hàng vi phạm, đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu, có giải pháp khắc phục để tránh tái diễn vi phạm.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo nếu các vi phạm còn tiếp diễn, phía bạn không những cảnh báo mà sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Việc sầu riêng bị kiểm tra 10% khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) không ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng, bởi trong thương mại nông sản việc giám sát như vậy là bình thường.