Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của ông đã bị chậm hoàn thuế khoảng 2 năm nay, với số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.
“Số tiền chậm hoàn thuế còn lớn hơn số vốn của Công ty”, ông Bắc nói.
Vì số tiền bị chậm hoàn thuế này, ông Trương Văn Bắc cho hay, công ty ông đã tạm ngừng hoạt động vì không có vốn quay vòng. Trong khi đó, nguồn vốn vay ngân hàng cũng hết sức hạn chế bởi ngân hàng căn cứ vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để cho vay.
Dù khó lòng tồn tại, song doanh nghiệp này cũng không thể giải thể, mà vẫn phải duy trì hoạt động để chờ số tiền hoàn thuế chưa biết khi nào mới được trả này.
“Nếu giải thể thì khó để làm giấy tờ, thủ tục nhận lại hồ sơ hoàn thuế. Nhưng việc duy trì hoạt động như thế này cũng tốn khá nhiều chi phí nhân sự, đóng thuế doanh nghiệp... Những chi phí này tôi phải tự bỏ tiền túi ra trả. Điều này khiến doanh nghiệp và người kinh doanh rơi vào tình trạng sống dở chết dở”, ông Bắc ngao ngán.
Quan trọng hơn, với việc không còn khả năng duy trì kinh doanh, Công ty TNHH Đầu tư cao su Việt Nam rơi vào tình trạng đánh mất khách hàng, đánh mất các thị trường sau hàng chục năm gây dựng, kinh doanh.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Công ty nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế của 2 kỳ hoàn thuế tháng 10/2021 (từ tháng 7 - 10/2021 và tháng 11/2021). Dù quy định chậm nhất là 40 ngày phải giải quyết, nhưng đến nay, hồ sơ của Công ty vẫn “bặt vô âm tín”. Chi cục Thuế quận Phú Nhuận nói đã chuyển hồ sơ lên Cục Thuế TP.HCM. Liên lạc với Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là không trực tiếp quản lý hồ sơ của Công ty, mọi thắc mắc liên lạc với Chi cục Thuế quận Phú Nhuận để được giải đáp.
Ông Bắc cho biết thêm, trước đó, doanh nghiệp không thể nộp được hồ sơ đề nghị hoàn thuế vì các cơ quan liên quan không tiếp nhận, chỉ khi có phản ánh từ báo chí thì mới được mở cửa nhận hồ sơ, song tình hình cũng không mấy khả quan.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp ở các ngành hàng như gỗ, sắn...
Nổi bật có thể kể đến hồ sơ hoàn thuế của Công ty cổ phần Fococev Việt Nam, với số tiền lên tới 355 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Fococev Việt Nam kiến nghị, có 29 hồ sơ cho các kỳ hoàn thuế từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2023, với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 355 tỷ đồng; có 2 hồ sơ cho kỳ hoàn thuế tháng 5/2023 và tháng 9/2023, với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 11 tỷ đồng.
Đến nay, Cục Thuế TP.HCM đã kiểm tra xong, đủ điều kiện hoàn thuế, nhưng vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev Việt Nam.
Lý giải tình trạng chậm hoàn thuế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, mình hoàn toàn bị “vạ lây” từ các doanh nghiệp đã đóng cửa, hoặc nghiêm trọng hơn là đã bỏ trốn.
Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH TM Hòa Thuận chia sẻ, khi làm thủ tục hoàn thuế VAT, doanh nghiệp có thể bị yêu cầu xác minh những hóa đơn từ nhiều năm trước, trong đó có những hóa đơn rất nhỏ, chi tiêu cho những hoạt động bên lề của doanh nghiệp.
Nếu khi xác minh, doanh nghiệp cung cấp hóa đơn không còn tồn tại, thì doanh nghiệp từng nhận hóa đơn của các doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vì “khai sai”.
“Điều này là rất vô lý, bởi chúng tôi không thể nắm được hoạt động của doanh nghiệp khác, không thể “tiên tri” nếu họ ngừng hoạt động hay bỏ trốn sau khi cung cấp hóa đơn. Trách nhiệm điều tra và nắm bắt tình trạng hoạt động hay không hoạt động là của cơ quan thuế chứ không ở phía doanh nghiệp”, bà Thu nói.
Với trường hợp này, dù doanh nghiệp không có lỗi, song dù có kê khai hay không kê khai hóa đơn đó thì vẫn phải chịu thiệt.
“Có những hóa đơn từ các doanh nghiệp không còn hoạt động mà chúng tôi tìm hiểu được thì đã loại ra khỏi hồ sơ hoàn thuế, chấp nhận mất 10% thuế và phát sinh thêm thuế thu nhập doanh nghiệp để xử lý hồ sơ nhanh hơn”, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật số Việt chia sẻ khi làm hồ sơ hoàn thuế với số tiền khoảng 900 triệu đồng.
Ông Trương Văn Bắc cung cấp thêm thông tin là, hiện chỉ các doanh nghiệp tập trung ở các ngành như cao su, sắn, gỗ... tại TP.HCM mới xảy ra tình trạng chậm hoàn thuế, trong khi doanh nghiệp ở các địa phương khác không gặp tình trạng này.