Sáng 23-3, dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phấn đấu phát triển Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tỉnh có vị trí địa lý kinh tế hết sức thuận lợi, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và thành phố Cần Thơ; thuận lợi cả đường bộ và đường thủy; có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn; là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước, có tiềm năng phát triển các giống lúa, cây màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển du lịch…
Ông cũng chỉ rõ những thách thức Vĩnh Long phải khắc phục, như: biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn, hạ tầng giao thông phát triển nhưng còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô nền kinh tế nhỏ, tăng trưởng chưa bền vững; chưa có các cơ sở công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp; chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thủ tướng nhấn mạnh muốn triển khai được quy hoạch, Vĩnh Long cần khai thác 6 nguồn lực, điều kiện. Trong đó, nguồn lực quan trọng nhất là từ nội sinh, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, tập trung vào các ngành mới nổi, như: chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức… lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính.
Cùng đó, phải xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng đồng bộ, vừa tạo không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics; kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, trong đó chú ý hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; xây dựng và thực thi cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất, thông suốt; cần tranh thủ sự hỗ trợ của các vùng, các địa phương, các nhà đầu tư… để chung sức, cùng Vĩnh Long phát triển.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị; quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số…
Song song đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện tốt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đồng thời, phát huy nội lực khai thác tốt hơn nữa tiềm năng để đột phá, vươn lên thành tỉnh khá, tỉnh thuộc nhóm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với tiềm năng, lợi thế của mình và với đà phát triển, Vĩnh Long sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh; Vĩnh Long phát triển trở thành tỉnh khá trong cả nước; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 7,0%/năm. Tỉ trọng khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 26%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 25%, dịch vụ chiếm khoảng 45%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 144 triệu đồng (giá hiện hành).
Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt từ 30% - 35%. Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 100% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị và 95% tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đúng quy định…
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Hướng tới Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), tỉnh Vĩnh Long hoàn thành xóa bỏ nhà tạm cho người nghèo trên toàn tỉnh.