Thực tập xong ở lại công ty lớn làm việc
Một điều thú vị chứng tỏ sức nóng của ngành vi mạch - bán dẫn là vào thời điểm phát động cuộc thi tháng 11-2023, các bạn trong các đội thi vẫn còn là sinh viên thì khi cuộc thi diễn ra, hầu hết đã đi làm ở các công ty đã thực tập trước đó.
Nhiều đội thi đã mang đến những đề tài tập trung vào các giải pháp giao thông thông minh cho đô thị, từ đo tốc độ phương tiện đến công nghệ phát hiện vật thể di chuyển trên đường trong điều kiện bất lợi như sương mù, khói bụi dày đặc...
Là bộ ba thực hiện đề tài Tối ưu hóa xử lý sương mù trên hệ thống FPGA cho ứng dụng nhận diện vật thể, Huy Hoàng - Tuấn Kiệt - Minh Nhật (sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết nhóm đã mất hơn 2 tháng để thực hiện đề tài liên quan đến giao thông thông minh này.
Đến giờ, cả ba đi làm ở ba công ty khác nhau. Mặc dù Huy Hoàng cho rằng họ may mắn khi thực tập xong và được nhận vào làm ở các công ty lớn, có một thực tế là nhóm chín sinh viên thực tập cùng thời điểm với Hoàng đều đã có nơi có chốn với mức lương đạt kỳ vọng.
Tương tự, Trần Tấn Tài - sinh viên năm 4 Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM - dù vẫn đang trong thời gian thực tập tại một công ty của Mỹ, nhưng đã được công ty quyết định giữ lại làm việc sau khi vượt qua được kỳ đánh giá.
Tài tiết lộ thêm rằng, mặc dù số lượng tuyển dụng của ngành khan hiếm hơn các ngành khác, yêu cầu khá khó nhằn, sinh viên cùng đợt thực tập với Tài hầu hết đều có cơ hội có việc làm ngay sau khi kết thúc thực tập.
Nhu cầu nhân lực ngành vi mạch - bán dẫn ngày càng tăng
Đây là năm đầu tiên cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh được tổ chức, trở thành một hoạt động đáng chú ý của Lễ hội thanh niên - Youth Fest 2024.
Cuộc thi do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chủ trì phối hợp cùng Thành Đoàn TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cuộc thi là nơi tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, các ý tưởng thiết kế vi mạch phục vụ cho các lĩnh vực sử dụng vi mạch bán dẫn để giải quyết những bài toán được đặt ra trong bối cảnh thành phố đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh.
Phát biểu tại vòng thi sơ kết, ông Lê Quốc Cường - phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trưởng ban tổ chức - cho biết vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và theo Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 của Chính phủ, dự kiến sẽ đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia ngành này.
Nói thêm về sự phát triển của công nghiệp vi mạch, bán dẫn, ông Cường cho biết từ năm 2010, Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút nhà đầu tư chiến lược Intel với cam kết đầu tư 4,115 tỉ USD.
Giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến quý 3-2023 đạt 82 tỉ USD, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM.
Một số công ty, tập đoàn công nghệ trong lĩnh vực vi mạch cũng đã đầu tư vào Khu công nghệ cao như GES, SNST & Finger Vina, Fab9-EMS Việt Nam, Besi, Microchip, Bestar…
Năm 2023 ghi nhận nhiều diễn biến lạc quan cho khát vọng về công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Chưa bao giờ "chất bán dẫn" hay "chip điện tử" trở thành những từ khóa quen thuộc đến vậy khi bàn về kinh tế Việt Nam trong năm Quý Mão.