Những chính sách, cách làm như thế nào cho Việt phục được nhiều người biết và tự hào là những nội dung được đề cập trong talkshow "Đi tìm quốc phục Việt", trong khuôn khổ Gala Tóc xanh vạt áo 2024.
Tối 24-3, đêm Gala Tóc xanh vạt áo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Sóng đôi năm 2024 diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Quảng bá Việt phục hiệu quả qua phim ảnh
Điểm nhấn trong đêm gala là talkshow "Đi tìm quốc phục Việt" với sự tham gia chia sẻ của các khách mời xoay quanh câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy Việt phục, tình yêu đối với văn hóa Việt Nam.
Anh Hoàng Quân - nhà sản xuất phim Tết ở làng Địa Ngục - đã đưa Việt phục vào phim kinh dị kết hợp cổ trang xuất phát từ lòng tự ái dân tộc.
Hoàng Quân chia sẻ: "Tôi đọc được nhận định của khán giả rằng Việt Nam không làm được phim cổ trang do thiếu về ngân sách, tư liệu. Tôi không tin điều này, chúng ta có thể làm được".
Vì vậy Hoàng Quân quyết định làm phim Tết ở làng Địa Ngục.
Đến khi bắt tay vào làm anh mới biết lý do vì sao các nhà sản xuất khác luôn e dè với dòng phim cổ trang vì có nhiều luồng quan điểm khi đưa Việt phục vào phim, dễ gây tranh cãi.
Hoàng Quân cho biết anh tiếp tục sử dụng các chất liệu dân gian, trong đó có Việt phục vào dự án mới Con Cám.
Cụ thể, anh sử dụng cổ phục thời triều Nguyễn để phát triển câu chuyện cổ tích Tấm Cám dưới góc nhìn thể loại phim kinh dị.
"Dự án này phục trang rất kỳ công vì có những bộ liên quan đến triều phục (trang phục cô Tấm vào cung, trang phục vua, quan, quân). Thiết kế cũng phức tạp hơn" - Hoàng Quân nói với Tuổi Trẻ Online.
Phim đang quay hình tại Huế, dự kiến ra mắt cuối năm nay.
Đánh thức ý thức dân tộc qua Việt phục
Ông Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm câu lạc bộ Đình Làng Việt - nhận định các bạn trẻ ngày nay luôn cố gắng bảo vệ di sản văn hóa của cha ông.
Ông mong có sự tiếp sức từ các cơ quan chức năng, để nhiều người trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho biết thời gian qua Huế luôn tạo mọi điều kiện cho các đoàn phim quay hình, đưa ra chính sách phát triển về điện ảnh ở cố đô.
Bạch Tuyết, Khánh Vân đồng hành với Lê Long Dũng làm Việt phục
09/03/2021 16:21
Ông nói Huế luôn coi trọng, tôn vinh văn hóa, xem văn hóa là nguồn nội lực để phát triển.
"Tôi rất vui vì thế hệ trẻ quan tâm thật sự đối với truyền thống văn hóa dân tộc, có nghiên cứu, có tìm tòi, mặc những bộ trang phục với niềm tự hào, hạnh phúc thật đáng quý. Tôi nghĩ đây là sự đánh thức của ý thức dân tộc, ý thức về văn hóa truyền thống" - ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Ông nhận định hiện nay các chính sách còn bất cập, chưa chạm tay đến người trẻ, để người trẻ dễ dàng hơn trong thực hiện các dự án quảng bá Việt phục nhiều hơn.
Trong khuôn khổ Gala Tóc xanh vạt áo, khán giả được xem gần 20 mẫu Việt phục đến từ áo dài Quang Hòa, Liên Hoa, Chiêu Minh Các, Hoa niên - Năm tháng tươi đẹp.
Tham gia trình diễn cổ phục có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Bùi Thị Xuân Hạnh, diễn viên Rima Thanh Vy, Hoa khôi Sông Vàm Huỳnh Đào Diễm Trinh, á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Hoàng Thị Nhung…
Sáng 24-3, Ngày hội Tóc xanh vạt áo lần thứ 4 khai mạc tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).