Các nhà khảo cổ Ai Cập vừa phát hiện một ngôi mộ cổ xa hoa có niên đại lên tới 4.300 năm tuổi ở Dahshur, một địa điểm tọa lạc nhiều kim tự tháp hoàng gia và một nghĩa trang rộng lớn cách Cairo khoảng 33 km về phía Nam.
Hiện mới một phần ngoài cùng của ngôi mộ được khai quật, nhưng những bức tường được trang trí bằng các bức tranh tuyệt đẹp, nhiều màu sắc đủ tiết lộ quy mô hoành tráng của khu chôn cất.
Theo Live Science, ngôi mộ được xây bằng gạch bùn theo kiểu gọi là mastaba, với cấu trúc hình chữ nhất có mái bằng và các cạnh dốc.
Các bức tranh tường bên trong mộ mô tả nhiều khung cảnh của Ai Cập cổ đại, ví dụ cảnh những con lừa giẫm lên lúa để tuốt lúa, những con thuyền trên sông Nile và hàng hóa được bán ở chợ.
Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập cho biết các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các cổ tự tượng hình còn sắc nét, trong đó có nêu rõ chủ nhân ngôi mộ cổ xa hoa này là một người đàn ông tên Seneb-Neb-Af và vợ ông là Idet.
Trong đó, bà Idet là nữ tư tế của Hathor - một nữ thần bầu trời gắn liền với nhục dục, tình mẫu tử và âm nhạc.
Còn ông Seneb-Neb-Af nắm giữ một số chức vụ trong cung điện hoàng gia liên quan đến việc quản lý những người thuê nhà.
Theo nhà khảo cổ Stephan Seidlmayer từ Viện Khảo cổ học Đức, người đứng đầu cuộc nghiên cứu về ngôi mộ Ai Cập này, địa điểm đã được định tuổi thông qua phong cách xây dựng, nội dung các chữ khắc cũng như một số đồ gốm tùy táng mà họ tìm thấy.
Với các dữ liệu đó, cặp đôi này là những nhân vật quyền lực thuộc Vương triều thứ 6 của Cổ Vương quốc Ai Cập.
Đó là thời điểm các kim tự tháp đang được xây dựng ở Ai Cập, tuy nhiên nhỏ hơn các kim tự tháp nổi tiếng nhất như Giza.
Cho dù các hình ảnh cho thấy một hố lớn với nhiều bức tường đầy phù điêu được tiết lộ, các nhà khảo cổ cho biết họ vẫn chưa thực sự khai quật vào phần chính của ngôi mộ.
Các khảo sát cho thấy ngôi mộ phải còn một hệ thống đường hầm dẫn đến các hầm chôn cất, nơi họ hy vọng tìm thấy các xác ướp cũng như thêm nhiều tư liệu, vật tùy táng có giá trị khác.
Xem thêm: nhc.414310101523042881-pac-ia-et-ut-un-auc-iout-0034-gnuc-em-iod-om-na-ib/nv.fefac