Tôi đang có nhà để ở, có khoản thu nhập ổn định hàng tháng tầm 30 triệu đồng và tiền mặt khoảng 14 tỷ đồng. Tôi chưa biết nên đầu tư vào kênh nào vì hiện nền kinh tế đang đi xuống và lãi suất ngân hàng thấp.
Tôi có một bé đang học mẫu giáo. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi làm sao duy trì và phát triển số tiền đang có với mục tiêu xa là dành tiền để lo cho con đi du học. Xin cảm ơn!
Kim Anh
Chuyên gia tư vấn:
Với tình hình kinh tế không ổn định và lãi suất ngân hàng thấp, việc lập kế hoạch cho con đi du học đòi hỏi sự cẩn trọng cùng một chiến lược cụ thể, rõ ràng. Đầu tiên, bạn cần xác định một kế hoạch tài chính toàn diện và linh hoạt để duy trì và phát triển số tiền hiện có.
Một phần quan trọng trong việc đầu tư cho con du học là tìm hiểu các kênh đầu tư có lợi nhuận cao nhưng cũng phải đảm bảo tính an toàn. Các tùy chọn đầu tư có thể bao gồm bất động sản, chứng khoán, thậm chí khoản đầu tư có rủi ro thấp như các khoản gửi tiết kiệm. Thời gian của kế hoạch này nên phù hợp với thời gian dự kiến của kế hoạch du học, ví dụ 10 năm tới. Khi đó, ta có thể tiến hành lập một bảng "kế hoạch tích sản toàn diện 10 năm".
Trước khi đi vào chi tiết việc phân bổ tài sản đầu tư, bạn cần lập quỹ dự phòng cho các tình huống ngắn hạn. Quỹ dự phòng này nên bằng 3-6 tháng chi tiêu của cả gia đình. Nếu lo lắng tình hình kinh tế đi xuống trong ngắn hạn, bạn có thể xem xét nâng quỹ dự phòng lên cao hơn. Số tiền trong quỹ sẽ được gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi có chu kỳ đầu tư lên tới 10 năm, bạn nên tận dụng tình hình hiện tại để phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư tích sản tăng trưởng, hơn là chỉ gửi tiết kiệm.
Không có một kênh đầu tư nào luôn luôn vượt trội, vì vậy để đạt hiệu quả tối ưu, đa dạng hóa danh mục tài sản là việc cần làm. Với những thay đổi mới nhất trong Luật Đất đai và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán hiện nay, giả định bạn có khẩu vị rủi ro trung bình - cao, bạn có thể xem xét tỷ trọng cổ phiếu và bất động sản là 50% và 50%. Nếu muốn đa dạng hơn, bạn có thể dành tỷ trọng thấp (5-10%) vào vàng hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp tốt.
Với chu kỳ đầu tư 10 năm và giả định phần dành cho bất động sản là 50%, khoảng 7 tỷ đồng, bạn có thể xem xét việc nắm giữ từ 2-3 bất động sản. Bạn cần lưu ý tính hiệu quả, tính đa dạng, tính thanh khoản và tính tối ưu về rủi ro của một danh mục bất động sản. Các loại hình bất động sản khác nhau sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau.
Ví dụ, đất dân sinh tại khu vực trung tâm có thể tăng trưởng ổn định với thanh khoản tốt nhưng tỷ suất sinh lời sẽ không quá vượt trội. Đất vùng ven có thể tăng giá tốt hơn nhưng cần một chu kỳ đầu tư dài hơn (trên 5 năm). Căn hộ chung cư tuy không có tỷ suất sinh lời vượt trội trong dài hạn nhưng có thể tạo ra dòng tiền đều đặn.
Cụ thể hơn, giả định thu nhập lớn hơn chi tiêu, bạn có thể tận dụng thời điểm này để đi săn các bất động sản phù hợp, xây dựng một danh mục gồm một căn nhà dân sinh tầm 3-5 tỷ đồng và một lô đất vùng ven tầm 2-3 tỷ. Sau khoảng 5-7 năm, khi gần thời điểm con bạn đi du học, giả định lúc đó bạn cần thêm dòng tiền, có thể xem xét cơ cấu sang những bất động sản sinh dòng tiền cao hơn như căn hộ chung cư. Tuy nhiên, danh mục trên chỉ mang tính tham khảo chung. Tùy mục đích cũng như tình hình và thói quen tài chính cá nhân, bạn nên cùng chuyên gia xây dựng một danh mục bất động sản phù hợp nhất với bản thân.
Cổ phiếu cũng là một kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh hiện nay để có thể phân bổ 40-50% tài sản, thậm chí là nhiều hơn nếu bạn có khẩu vị rủi ro cao hơn. Với kênh cổ phiếu, bạn có thể xem xét rót một phần vào các chứng chỉ quỹ mở hoặc các chứng chỉ quỹ ETF và chia ra các đợt giải ngân khác nhau. Bạn cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của một chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín để xây dựng một danh mục cổ phiếu tích sản, an toàn và bền vững, với chu kỳ đầu tư 5 hoặc 10 năm.
Khi xét về dài hạn, với những lựa chọn hợp lý, bạn có thể kỳ vọng mức sinh lời 12-15% mỗi năm cho danh mục này. Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý là phải tránh việc bị cảm xúc chi phối để rồi phải bán ra danh mục cổ phiếu này khi thị trường điều chỉnh.
Ngoài ra, việc quản lý chi tiêu hàng tháng là cần thiết để tích lũy thêm vốn. Bạn có thể tham khảo cách quản lý chi tiêu theo phương pháp 50/30/20 để vẫn đảm bảo được cuộc sống thoải mái và luôn có phần tiền dư để tích sản thêm.
Tiếp đến, bạn cũng cần xem xét nhu cầu tài chính trong tương lai vài năm tới của những người phụ thuộc như cha mẹ, liệu họ có cần bạn chu cấp hay không. Tùy theo nhu cầu của những người phụ thuộc và khả năng thanh khoản các tài sản đầu tư, bạn nên cân nhắc tới việc mua bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, vì mục tiêu xa là cho con đi du học - một mục tiêu quan trọng và được ưu tiêu, bạn cũng cần tính đến phương án bảo hiểm để phòng cho các rủi ro khi bạn mắc phải các bệnh nan y hoặc thậm chí tử vong, con của bạn vẫn có đủ số tiền cho giáo dục, thậm chí là vẫn giữ được kế hoạch đi du học.
Cuối cùng, khi con bạn lớn hơn, hoặc khi mục tiêu được xác định rõ ràng hơn, bạn cần tìm hiểu cụ thể chi tiết về học phí, sinh hoạt phí, các chương trình hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ du học... để tính toán cụ thể hơn và có thể cần tái cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp với các con số tài chính tại gần thời điểm con bạn đi du học.
Bằng sự kiên nhẫn và sự thông minh trong quản lý tài chính hoặc với sự hỗ trợ của chuyên gia, bạn có thể đạt được mục tiêu của mình bằng việc lên kế hoạch đúng đắn và duy trì nó một cách kỷ luật ngay từ bây giờ.
Nguyễn An Huy
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT