Ký đơn tập thể, cầu cứu chính quyền địa phương
Ngày 26.3, các hộ dân sinh sống tại chung cư TDH Trường Thọ (đường số 4, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) cho biết đã ký đơn tập thể gửi UBND P.Trường Thọ, UBND TP.Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM, cầu cứu về việc ô nhiễm môi trường bởi... đàn chim bồ câu.
Theo ông T.V.V (hộ dân sống tại chung cư nói trên), thời gian qua tại chung cư xuất hiện đàn chim bồ câu sinh sản và phát triển cả trăm con. Chim làm tổ, đậu khắp các nơi trong chung cư; phân chim bồ câu xuất hiện dày đặc khắp các ban công, lam cửa sổ, sân thượng… gây mất vệ sinh. Đáng lưu ý, mùi hôi của phân chim bồ câu gây ô nhiễm không khí tại chung cư này (tại đây có 262 hộ dân).
Tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm từ đàn chim bồ câu nói trên ảnh hưởng người dân tại chung cư diễn ra thời gian dài. "Đàn chim bồ câu không nuôi nhốt, bay và đậu khắp nơi trong chung cư. Ngoài ô nhiễm môi trường, còn lo ngại nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch cúm A/H5N1, nguy hiểm tính mạng người dân", ông V. nói.
Trong đơn, người dân cho rằng đàn chim bồ câu sinh sống trong căn nhà tại lầu 8, bolck B chung cư TDH Trường Thọ. Tại căn hộ này, chủ nhà dùng mành tre che hết ban công và chừa những ô hở để chim bồ câu ra vào, làm tổ sinh sản. Ông T. chủ căn hộ có chim bồ câu sinh sống thường xuyên mang thức ăn cho đàn chim bồ câu ăn.
Chức năng xử lý thuộc về chính quyền địa phương
Thực trạng đàn chim bồ câu gây ô nhiễm, nhiều lần người dân đã phản ánh lên Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư TDH Trường Thọ để tìm cách giải quyết. Những lần họp, ông T. chủ căn hộ nói trên không thừa nhận đàn chim bồ câu này do mình nuôi. Ông cho rằng, vì ông hay cho chim bồ câu ăn nên đàn chim tập trung về nhà ông. Bức xúc việc này, nhiều người dân tập trung trước nhà ông T., lớn tiếng yêu cầu ông dừng việc cho bồ câu ăn, nhưng ông T. không thực hiện.
Liên quan đến việc này, UBND P.Trường Thọ cho biết đã tiếp nhận đơn cầu cứu của người dân tại chung cư TDH Trường Thọ. UBND P.Trường Thọ đã mời ông T. lên làm việc. Ông T. không thừa nhận đàn chim bồ câu tại chung cư là do mình nuôi. UBND P.Trường Thọ tiếp tục vận động ông T. không cho đàn chim ăn và thực hiện vệ sinh khu ban công nhà, tránh gây mất vệ sinh cho các căn hộ xung quanh. Đồng thời đảm bảo việc phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, bồ câu được đưa vào danh sách chim cảnh. Hiện nay, các quy định về việc nuôi chim cảnh chưa rõ ràng nên rất khó để xác định và xử lý. Trường hợp đàn chim bồ câu gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H5N1 tại chung cư TDH Trường Thọ thì chức năng xử lý của chính quyền địa phương. UBND cấp phường đối chiếu các quy định về vật nuôi, chim cảnh xác định người nuôi, từ đó có hình thức xử lý phù hợp, phòng chống dịch cúm A/H5N1 tại địa phương.
UBND P.Trường Thọ họp khẩn để xử lý đàn chim bồ câu gây ô nhiễm
Trước phản ánh của người dân về tình trạng đàn chim bồ câu gây ô nhiễm tại chung cư TDH Trường Thọ, bà Cao Thoại Vy (Phó chủ tịch UBND P.Trường Thọ) vừa ký thư mời Trưởng khu phố 5 (P.Trường Thọ), Ban Quản trị, Ban Quản lý chung cư TDH Trường Thọ và ông Đ.N.T (chủ căn hộ có đàn chim bồ câu sinh sống) họp khẩn để trao đổi, có phương án xử lý. Cuộc họp sẽ diễn ra vào sáng 28.3 tại chung cư TDH Trường Thọ.