Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn về đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ, yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động báo cho khách hàng nếu có vấn đề bất thường như thẻ không giao dịch, nợ quá hạn kéo dài. Yêu cầu này được đưa ra sau vụ lùm xùm về khoản nợ tín dụng của một khách hàng với ngân hàng Eximbank từ hơn 8 triệu đồng, sau 11 năm thành số nợ lên tới hơn 8 tỷ đồng.
Việc nhắc nhở, đôn đốc các ngân hàng thương mại trong việc phải thông báo cho chủ thẻ các thông tin liên quan đến giao dịch, nợ quá hạn không phải là quy định mới, kể cả trong trường hợp khách hàng không phát sinh giao dịch. Công văn mới đây của Ngân hàng Nhà nước chỉ đơn giản là tiếp tục siết chặt nguyên tắc trong giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank nhận định: "Thực tế, ngân hàng luôn luôn thông tin đến cho khách hàng bằng nhiều kênh, có thể kênh bằng tin nhắn, email, các thông báo trên ứng dụng ngân hàng mà khách hàng có. Nhưng thường khách hàng lâu năm mà không trả nợ, để tồn lại rất lâu là do họ đổi điện thoại, đổi địa chỉ, họ không truy cập vào email đã thông báo cho ngân hàng".
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, cũng như các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi, đặc biệt là với thẻ tín dụng và những thay đổi trong quá trình sử dụng thẻ... Nhưng cách tính lãi kép của vụ việc Eximbank dù có hợp pháp nhưng được cho là quá máy móc.
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI cho biết: "Thường một tháng, cùng lắm là 1-2 năm giải quyết xong. Có thể đàm phán với nhau miễn giảm gốc lãi hoặc xóa nợ. Nhưng trường hợp này vì quá lâu và con số quá lớn, tạo ra cho mọi người một sự giật mình".
"Về mặt công thức tính thì không sai. Nhưng ở trong đó không hợp lý về mặt kinh tế cũng như về quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng" - ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu phải rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng để tránh tình trạng phát hành thẻ ngân hàng tràn làn, lãng phí và khó kiểm soát như sim rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58383539162304202-nah-auq-on-uen-eht-uhc-oab-iahp-gnah-nagn/et-hnik/nv.vtv