Tín dụng vẫn giảm, tỉ giá còn áp lực
Trong bản tin thị trường tiền tệ vừa công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết tín dụng tính đến ngày 18-3 vẫn giảm 0,33% so với cuối năm 2023.
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu, với tổng khối lượng là 69.700 tỉ đồng ở kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu ghi nhận là 1,3 - 1,4% trong 4 ngày giao dịch đầu tiên và bật tăng lên 1,7% trong phiên giao dịch thứ 6. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành đạt 144.700 tỉ đồng và sẽ đáo hạn vào giữa tháng 4.
Tuy nhiên thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm mạnh về 0,2% - tương đương mức ghi nhận vào thời điểm trước khi phát hành tín phiếu. Do vậy chênh lệch với lãi suất USD vẫn duy trì ở mức âm và áp lực về tỉ giá vẫn hiện hữu.
Trong tuần này, với yếu tố về mùa vụ (cuối quý), lãi suất liên ngân hàng sẽ biến động mạnh hơn và nhiều khả năng khiến cho hoạt động phát hành tín phiếu kém tích cực, chuyên gia SSI nhận định.
Ngân hàng hạ giá rao bán cổ phần doanh nghiệp sắp giải thể
Ngày 29-3 tới, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) tổ chức đấu giá hơn 2,48 triệu cổ phần của Công ty cổ phần sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco.
Sau nhiều lần rao bán không thành, giá khởi điểm lô cổ phần nêu trên lại tiếp tục hạ về còn hơn 6,9 tỉ đồng. Gần đây nhất là mức 9,5 tỉ đồng, trong khi đầu năm 2023 còn 30 tỉ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến việc rao bán khó khăn do tình trạng pháp lý phức tạp của doanh nghiệp này.
Cụ thể theo Agribank AMC, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Tracimexco đã bị thu hồi theo quyết định của Sở KH&ĐT Bắc Kạn. Phía công ty vẫn còn các khoản phải thanh toán như tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác phải thanh toán theo bản án, quyết định của tòa án.
Ngoài ra, bằng nguồn thông tin không chính thức, Tracimexco có thể phải thực hiện thủ tục giải thể do giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi, Agribank AMC cho hay.
Bến xe Miền Đông mới sẽ có thêm nhiều loại xe trung chuyển
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thông báo kết luận cuộc họp về phương án tiếp chuyển hành khách đi - đến bến xe khách liên tỉnh ở TP, trong đó có bến xe Miền Đông mới.
Theo đó, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đề nghị Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV SAMCO đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thực hiện phương án tiếp chuyển khách.
Ngoài ra, xây dựng phần mềm kết nối với phần mềm đặt xe của các đơn vị vận tải xe taxi, xe hợp đồng điện tử… Trường hợp chưa xây dựng xong phần mềm thì tạo group Zalo, Viber gồm các thành viên của bến xe, các đơn vị vận tải xe taxi, xe hợp đồng và các thành viên của Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải để phối hợp điều hành...
Theo phương án tiếp chuyển hành khách được SAMCO xây dựng, bến xe Miền Đông mới sẽ đứng ra tổ chức xe trung chuyển, kết nối với các nhà xe trong bến để tăng số lượng phương tiện phục vụ.
Xe trung chuyển này phục vụ khách từ 0h đến 24h mỗi ngày, thời gian giãn cách 30 phút/chuyến đối với giờ thấp điểm và 15 phút/chuyến khi cao điểm.
Có 4 lộ trình được tổ chức đi qua 20 quận, huyện để hành khách lựa chọn. Phí đi xe trung chuyển được các nhà xe cân đối tính vào giá cước, dự kiến cao hơn xe buýt nhưng thấp hơn xe ôm công nghệ.
TP.HCM xây dựng quy trình thanh toán quỹ đất cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường sau cuộc họp về quy trình thanh toán quỹ đất các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) theo nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Theo đó, lãnh đạo TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chủ trì, phối hợp với sở ngành liên quan rà soát, đề xuất phương án thanh toán cụ thể cho hợp đồng BT cho dự án chống ngập 10.000 tỉ và dự án đoạn 3 vành đai 2 dài 2,7km (qua địa bàn TP Thủ Đức) theo quy định của nghị quyết 98.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản để TP báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP về quy trình thanh toán quỹ đất chung cho các dự án BT và phương án thanh toán cụ thể cho 2 dự án nêu trên, hoàn thành trong tháng 3-2024.
Trước đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ năm 2021 đã dừng triển khai hình thức BT. Tại TP.HCM có dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng và dự án đoạn 3 vành đai 2 được triển khai trước thời điểm luật có hiệu lực nhưng chưa thực hiện thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Nghị quyết 98 có quy định về việc gỡ vướng cho các dự án triển khai theo hình thức này. Vì vậy, thời gian qua TP.HCM đang xây dựng quy trình thanh toán để làm cơ sở triển khai.
TP.HCM tước giấy phép nhiều cơ sở thẩm mỹ, y tế vi phạm
Tin tức từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã đình chỉ, tước giấy phép hoạt động hàng loạt bệnh viện, viện thẩm mỹ trên địa bàn do vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, cơ sở của Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Dr Korea (51A đường 3-2, phường 11, quận 10) bị xử phạt hành chính 176 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong 6 tháng; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo thiếu nội dung chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Công ty TNHH Trung tâm Y tế Hà Đô (số 35B-35C, đường 3-2, quận 10) bị xử phạt 144 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 4 tháng và phải tháo dỡ, xóa các quảng cáo.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu MQ (280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3) bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn cơ sở trong 2 tháng và phạt tiền 58 triệu đồng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 22 ngày 20-3 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.